Mới đây, một đoạn ngắn trong chương trình Vua tiếng Việt đã được dân mạng "mổ xẻ" và tạo nên tranh luận trái chiều với phát ngôn của tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ.
Cụ thể, trong số phát sóng vừa ra mắt, ở phần thi thứ 3 - Xâu Chuỗi, người chơi đã đưa ra câu trả lời là: "Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ", và được MC Xuân Bắc xác nhận là đáp án đúng.
Theo đó, tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ - cố vấn của chương trình đã lý giải thêm về câu nói này, như sau: "Đi hỏi già là vế thứ nhất, ý rằng là việc chào hỏi người cao tuổi, kính lễ là điều vô cùng quan trọng. Về nhà hỏi trẻ, tức là trẻ con rất thật thà, về nhà muốn biết điều gì đã xảy ra cứ hỏi trẻ con".
Tiếp lời phần giải đáp này, tiến sĩ Đoàn Hương lập tức bổ sung: "Đi hỏi già ngoài ý nghĩa kính lễ còn có một ý khác là người già thì từng trải và hiểu nhiều, cho nên ra đường mình hỏi người già là chắc chắn nhất. Còn 'về nhà hỏi trẻ' vì trẻ con rất là ngây thơ, nó không biết gì, có thể tố cáo bất kỳ bí mật chủ nhà muốn giấu".
Đoạn clip gây tranh cãi được khán giả chia sẻ lại. (Nguồn: VTV)
Theo một số người xem, phần lý giải của tiến sĩ Đỗ Anh Vũ chưa thực sự chính xác khi vế đầu được nhận định là không đúng, bởi người ta nói "Đi hỏi già" luôn được hiểu nôm na là "ra đường hỏi người già", chứ câu này không có ý nhắc về mặt đạo đức. Hoặc những gì chưa biết, cứ hỏi người già vì họ là người từng trải, có nhiều kinh nghiệm.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác thì cho rằng, lời chia sẻ của tiến sĩ Đỗ Anh Vũ chỉ chưa đầy đủ, chứ không hẳn là sai, hoặc thiếu chính xác. Một tài khoản giải thích, "hỏi" ở đây cũng có thể hiểu là "chào hỏi". Vì vậy, câu này khi diễn giải ra có ý nghĩa là: "Đi đâu, làm gì thì nên chào hỏi người lớn trước, còn về nhà thì hỏi trẻ nhỏ nếu muốn biết những gì đã xảy ra".
Dù vẫn còn tranh luận đúng sai song phần góp ý của tiến sĩ Đoàn Hương là trọn vẹn và chiếm được số đông đồng tình nhất. Thế mới thấy, tiếng Việt "phong ba bão táp" quá đi à!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận