Trong khi mạng xã hội lớn nhất thế giới liên tục tìm cách thay đổi mình bằng những cập nhật mới để giữ chân người dùng, thì cũng có không ít người muốn "thoát khỏi" thế giới ảo đó, như anh chàng Maneesh Sethi, một doanh nhân người Mỹ gốc Ấn.
Vì quá lệ thuộc vào Facebook, Maneesh Sethi đã quyết định "thuê người tát mình" mỗi khi thấy anh lên Facebook. Câu chuyện xảy ra vào năm 2012, nay bỗng dưng "phát sốt" trở lại sau một dòng Tweet của Elon Musk, vị tỉ phú giàu nhất thế giới.
"Khoảng thời gian tôi dành cho Reddit và Facebook là vô cùng xuẩn ngốc. Đã đến lúc tôi phải dừng lại mọi thứ. Bởi mỗi ngày, tôi đo đếm được mình đã lãng phí đến 19 tiếng cho mạng xã hội. Do đó, tôi đã đăng tuyển một bài quảng cáo để tìm người 'tát mình' nếu tôi đụng đến chúng, với mức lương là 8 USD/giờ", Sethi nói với VICE.
Anh giải thích về câu chuyện của mình lan truyền với tốc độ chóng mặt: "Tôi thấy ý tưởng của mình độc đáo khi vấn đề này là tình hình chung của khá nhiều người". Thậm chí, mọi người vẫn nhắc lại sau ngần ấy năm nghĩa là vấn đề này đã không được giải quyết, vẫn tồn đọng, nhất là trong đại dịch, mọi người có xu hướng ở trong nhà và sử dụng mạng xã hội nhiều hơn trước.
Phương thức hài hước của Sethi truyền cảm hứng cho không ít đối tượng "sống" trong thế giới ảo quá lâu mỗi ngày. Vào thời điểm đó, nhiều người đã nảy ra sáng kiến "tát vào mặt nhau" nếu thua trong các vụ cá cược vui vui chốn văn phòng.
Sethi nhớ lại sau khi đăng tải quảng cáo, anh nhận được 20 email từ các ứng viên. Cuối cùng, anh chọn một người phụ nữ tên Kara làm "đối tác chiến lược" của mình trong hành trình "cai nghiện" Facebook.
Không chỉ đảm trách nhiệm vụ "tát vào mặt" Sethi, cô nàng Kara còn kiêm luôn vị trí "ông chủ tạm thời" của anh, khi đem đến những trải nghiệm mới mẻ, cũng như ý tưởng hữu ích khi cả hai làm việc cùng nhau.
Hiệu suất làm việc của doanh nhân Mỹ gốc Ấn này tăng đến 4 lần, chỉ sau một thời gian ngắn. Mặc dù không thể nhớ bản thân đã "ăn" bao nhiêu cái tát, nhưng Sethi khẳng định số lượng đủ để anh có thể tập trung làm việc mà không mò mẫm vào Facebook.
Và cũng nhờ phương thức này, Sethi đã thiết kế thành công một sản phẩm có tên gọi là Pavlok, thiết bị đào tạo hành vi. Khi đeo, thiết bị này sẽ rung nhẹ nếu người dùng có hành vi tốt. Ngược lại, một cú sốc điện đủ sức làm bạn... tê tê nếu thực hiện điều xấu.
Sethi cực kỳ trân trọng những ngày tháng đó khi từng cái tát lại là 1 lần giúp anh có thêm động lực để hoàn thiện sản phẩm cho công ty của mình. Nhờ đó, anh càng muốn bản thân truyền được cảm hứng đến mọi người, giúp những ai đang cần thoát khỏi Facebook hay lãng phí thời gian cho mạng xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận