Kết quả cấy phân đã túm được con vi khuẩn hình dấu phẩy (Vibrio cholerae). Con vi khuẩn này mặt mũi ra sao mà mọi người khiếp sợ thế?
Vi khuẩn tả, ở đâu cũng có!
Trong kiểm dịch quốc tế người ta xếp tả là 1 trong 3 bệnh tối nguy hiểm (dịch tả, dịch hạch, sốt vàng). Đặc điểm của con vi khuẩn này là chúng sống rất dai, nước máy không đạt chuẩn vệ sinh nó có thể tồn tại tới 40 ngày hoặc dài hơn, trong nước hồ ao từ 3 - 30 ngày, trong nước biển từ 4 - 47 ngày, trong thức ăn từ vài ngày đến vài tuần, trong chân ruồi từ 2 - 3 tuần...
Nếu bạn ăn thực phẩm sống (rau sống, thịt tái), uống nước chưa đun sôi, ăn thức ăn đường phố... thì bạn đã tự rước phẩy khuẩn tả vào người. Có người “ôm” phẩy khuẩn tả trong bụng, nhưng bệnh không phát tác còn nguy hiểm hơn những người bệnh đùng đùng.
Họ đi cầu không rửa tay, vi khuẩn từ một chút phân còn rơi rớt sẽ bung ra khắp nơi nếu đó là bà bán hàng ăn. Một bà bán bún dùng tay “bốc” cả trăm tô mỗi sáng sẽ “ban phát” cho hàng trăm người. Cứ thế mà nhân lên, con số quả là “đại lưu hành”. Một cái bắt tay với bàn tay không được rửa sạch cũng là yếu tố nguy cơ. Bạn lên xe taxi, tựa lưng vào nệm, đặt tay vào bất kỳ nơi nào mà người trước mang mầm bệnh cũng có thể được nhận vi khuẩn tả một cách vô tình. Còn nếu bạn có can đảm ăn uống ở những quán vệ sinh kém, ruồi nhặng vo ve thì chân ruồi với cả một mớ lông như những cái chổi sẽ bu từ nhà xí, từ xác súc vật chết, từ rác ven đường, từ thức ăn thừa của bổn quán “tặng” cho bạn vô số vi khuẩn, không loại trừ phẩy khuẩn tả.
Bà con ta cứ “sống chung” vui vẻ với chúng để rồi tặc lưỡi “Trời kêu ai nấy dạ”. Ông Trời mà nghe câu này hẳn khen dân xứ Việt mình dễ thương thật, chết cũng còn “dạ” theo kiểu đồng ý thì chả có dân tộc nào hiền lành như thế.
Làm sao biết mình bệnh?
Bệnh bắt đầu một cách tự nhiên với dấu hiệu là “trôn tháo”. Đi cầu nhiều lần phân lúc đầu đặc, sau lỏng, rồi toàn nước như nước vo gạo, xen lẫn là những hạt trắng lổn nhổn, mùi rất tanh. Tiếp đến là đau quặn bụng và nôn thốc nôn tháo ra thức ăn, ra nước, sau nôn ra màu giống như phân.
Chỉ trong vài giờ cơ thể sẽ lâm vào tình trạng mất nước: mặt hốc hác, mắt trũng, môi khô, da nhăn, xanh tái, huyết áp hạ, đi tiểu ít rồi suy thận, tụt huyết áp mà chết. Bởi vậy đứng trước một người “miệng nôn, trôn tháo” đặc biệt là người già, trẻ em cần đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu, đừng hi vọng chữa trị tại gia, vì tiến triển của bệnh rất nhanh đe doạ tính mạng.
Bệnh viện sẽ làm gì?
Truyền nước cấp cứu là việc đầu tiên họ làm, trước khi truy tìm thủ phạm gây bệnh. Kháng sinh diệt khuẩn thường là Doxycyclin cũng được dùng ngay sau khi lấy mẫu phân xét nghiệm. Nếu đúng là kẻ tội đồ thì sau khi truyền nước, khôi phục chất điện giải, huyết áp bình ổn thì Doxycyclin sẽ làm cái việc tiêu diệt đám phẩy khuẩn đang gây rối làm ầm ĩ trong ruột, và mọi chuyện trở về trạng thái bình thường.
Phòng bệnh: dễ mà khó
Bởi lâu nay dân ta buộc phải có máu “liều” trong người (và có khi không buộc mà người ta cũng liều mạng). Nguồn nước của “ông nước” không đảm bảo vệ sinh cũng phải “liều” dùng và trả tiền đều đều mỗi tháng. Vệ sinh thực phẩm kém là chuyện dài nhiều tập hơn bất cứ loại phim truyền hình nào, nhưng cũng phải “liều” ăn.
Phương pháp “tự cứu” duy nhất là ăn chín, uống nước sôi để nguội. Ăn chín tức là “luộc” phẩy khuẩn cho nó chết, nhưng còn những thứ như hàn the, phân urê ướp trong thịt cá thì bà con mình cũng phải “liều” mà nuốt. Không ăn rau sống, dù rau được quảng cáo là “sạch”.
Có một việc mà chúng ta nên tạo thành thói quen, đơn giản mà hữu hiệu: rửa tay bằng xà bông trước khi ăn, sau khi đi toillet. Thói quen này được tập từ thời mẫu giáo nhưng ta cứ cố tình quên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận