Những ngày giữa tháng 11, hàng loạt tờ báo lớn nhỏ trên thế giới đều đưa tin về Josua Hutagalung, 33 tuổi, làm nghề đóng quan tài người Indonesia, bỗng chốc trở thành triệu phú nhờ một viên thiên thạch lớn trị giá 1,8 triệu USD rơi thủng mái nhà của anh.
Từ quán cà phê sân thượng đến trà đá vỉa hè, từ bà bán ốc đến chị bán kem trộn, khắp nơi đều nói đến câu chuyện của Josua Hutagalung. Họ tranh luận xem “kiếp trước anh ta làm gì mà kiếp này trúng số” và liệu anh ta có bị “ép giá” khi bán nó cho người mua ở Mỹ hay không.
Nhưng các nhà khoa học thì cười chảy nước mắt vì biết “có cái gì đó sai sai”. Chẳng có thiên thạch nào trị giá hàng triệu USD trong câu chuyện này.
"Tôi đã bật cười như điên khi đọc câu chuyện và con số 1,8 triệu USD", Laurence Garvie, giáo sư nghiên cứu tại Trường Khám phá Trái đất và Không gian thuộc Đại học Bang Arizona (Hoa Kỳ), cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC.
Theo giáo sư Laurence, câu chuyện nhặt được thiên thạch và cho rằng hoặc bán nó với giá hàng triệu USD như thế này rất phổ biến. Chỉ cần lên trang mua bán eBay là có thể thấy hàng trăm “viên đá từ bầu trời” được rao bán. Càng lớn thì giá càng cao.
Nhưng đó là sự lừa đảo.
Mọi người thường bị cuốn hút khi sở hữu một thứ bên ngoài Trái đất, vì vậy nhiều người sẵn sàng trả vài trăm hoặc nghìn USD cho một viên đá nhỏ. Nhưng không ai lại trả hàng triệu USD cho một tảng lớn hơn.
Khác với các kim loại quý trên Trái đất – giá trị tăng theo kích thước - trên thực tế, giá thiên thạch lại tỉ lệ nghịch với kích thước của nó. Nghĩa là, thiên thạch nhỏ thì đắt, càng to thì giá càng thấp đi.
Giá thiên thạch thường bị “thổi” lên qua các tay mua bán trung gian. Bởi vậy, người mua bình thường rất khó định giá được thiên thạch. Báo chí thế giới cũng có thể đã bị “dắt mũi”.
Vậy viên đá của Josua Hutagalung có giá thực là bao nhiêu ?
“Chỉ 2 USD!”, giáo sư Laurence Garvie nói.
Lý do là bởi giáo sư Laurence Garvie đã phân tích thành phần của viên đá sau khi nó được đưa về Mỹ và xác định nó có khoảng 70-80% đất sét, một chút sắt, oxy, magiê, nhôm và canxi. Về cơ bản là "một quả cầu bùn ngoài trái đất" chứ chẳng có gì quý giá ở đây cả.
Giáo sư Laurence Garvie cho rằng nó có thể đã có chiều ngang khoảng một mét khi đi vào bầu khí quyển của Trái đất và bị vỡ ra rồi bắn khắp nơi. Một vài mảnh có thể rơi xuống Trái đất, trong đó có mảnh đâm xuyên qua mái nhà của Josua Hutagalung.
Giá trị lớn nhất của thiên thạch thuộc về nghiên cứu khoa học.
Chuyên gia Jason Scott Herrin, thuộc Đài quan sát Trái đất Singapore, cho biết rằng thiên thạch được tìm thấy ở Sumatra là một loại đá chondrite có nguồn gốc cacbon, có thể cung cấp cho các nhà khoa học manh mối về sự khởi đầu của sự sống trên Trái đất.
Nó không được định giá hàng triệu đô nhưng có ý nghĩa rất lớn trong hành trình nghiên cứu thế giới và đi tìm sự sống ngoài Trái đất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận