Theo dữ liệu từ trang web Emojipedia, những cách phổ biến nhất để nói về covid-19 bao gồm sử dụng emoji vi sinh vật, nhưng phổ biến hơn cả là khuôn mặt đeo khẩu trang.
Dù emoji vi sinh vật mới được duyệt năm 2018, nhiều nhà cung cấp khác nhau đã tạo ra những biến tấu hết sức đa dạng. Chẳng hạn như phiên bản của Apple mang hình dáng giống nhất với một con virus, trong khi của Microsoft chỉ có màu xanh, và hình thù giống với một con vi khuẩn.
Một mẫu thống kế gần 50.000 tweet trên Twitter từ đầu tháng 3 tới nay, được Emojipedia phân tích, chỉ ra rằng 5 emoji gắn chặt chẽ nhất với covid-19 chính là:
Vi sinh vật: 42%
Khuôn mặt đeo khẩu trang 36%
Mặt buồn nôn 5%
Mặt hắt hơi 5%
Thanh xà phòng 4%
Ngoài ra, một số nền tảng còn tạo ra các emoji của riêng mình để mô tả covid-19. Chẳng hạn người dùng Twitter có thể sử dụng hashtag #SafeHandsChallenge để hiển thị một emoji rửa tay.
Ngoài ra còn có trường hợp kết hợp các emoji với nhau, chẳng hạn người sử dụng tiếng Tây Ban Nha đã tạo ra một tổ hợp emoji sử dụng vương miện và vi sinh vật, vì corona tiếng Tây Ban Nha nghĩa là vương miện.
Cách dùng này không chỉ cho thấy sự nhanh nhạy của con người, mà còn cho thấy một nguyên tắc hình thành hình ảnh đã có từ xa xưa, từ 5000 năm trước, khi hệ thống chữ viết đầu tiên của con người, chữ viết của người Sumer, ra đời ở vùng đất nay là miền nam Iraq.
Ý tưởng cơ bản ở đây chính là thể hiện một khái niệm trừu tượng bằng một hình ảnh có sẵn, có âm giống với âm của khái niệm trừu tượng. Với emoji, ý tưởng này mới đây đã được dùng một cách hết sức sáng tạo, tái mục đích bởi một số người dùng internet nửa sau năm 2019: từ quả đào (tiếng anh peach) quyến rũ, họ chuyển thành IM để kêu gọi “luận tội” (tiếng anh impeach) TT Mỹ Donald Trump.
Vì sao những emoji nhỏ bé này lại có thể chuyển tải nỗi sợ, khuyên can về vệ sinh, thậm chí nhắc nhở chúng ta tuân thủ giãn cách xã hội? Truyền thông số, kể cả dạng chữ viết, cũng đậm tính hình ảnh, và con người đích thị là những sinh vật hình ảnh – đó là giác quan chủ đạo của chúng ta.
Chừng 2/3 hoạt động thần kinh của bộ não là về xử lý thị giác (khi mắt chúng ta mở). Chừng 40% sợi thần kinh của não nối với võng mạc, và trung bình một người chỉ cần 100 mili giây để nhận diện một đồ vật.
Trong lĩnh vực truyền thông số, các emoji đại diện cho một “hình dáng”, một biểu tượng bằng hình ảnh có thể ngay lập tức nhận diện, đại diện cho một ý tưởng tương đối phức tạp mà từ ngữ sẽ kém hiệu quả và chậm chạp hơn khi chuyển tải.
Dù không phải ý tưởng nào cũng có thể emoji-hóa được, nhưng những người giỏi về diễn đạt thường dùng emoji theo những cách đặc sắc mà người bình thường khó lòng nghĩ tới – nhưng lại rất nhanh chóng học theo.
Nhìn chung, các emoji thúc đẩy sự giao tiếp, truyền thông số dựa trên ngôn ngữ, cũng giống như một cử chỉ hay ngôn ngữ hình thể, hay đối thoại mặt đối mặt vậy.
Chức năng của emoji không hề là để thay thế ngôn ngữ, mà là cung cấp những gợi ý phi ngôn từ thiết yếu cho việc giao tiếp hiệu quả, và thường luôn mang yếu tố hài hước, vui vẻ.
Nhưng emoji còn có nhiều chức năng khác, chẳng hạn thay thế cho từ ngữ trong nhiều trường hợp – đôi khi, để hồi âm, ta không cần gì hơn một khuôn mặt mừng rơi nước mắt…
Emoji còn có thể nhấn mạnh quan điểm, như khi thổ lộ tình yêu, theo sau bằng một hàng trái tim sẽ giống với một lời khẳng định tình yêu đích thực. Nhắc nhở người khác rửa tay cũng có thể vừa hiệu quả, vừa hài hước, khi ta chèn thêm một emoji xà phòng. Và ở hình thức giống như hoạt họa (về hình ảnh), giọng điệu “ra lệnh” cũng trở nên nhẹ nhàng, nhuần nhị hơn.
Emoji còn có thể thể hiện sự tương phản, chẳng hạn emoji xoe tròn mắt thường có ý nghĩa đối lập với những gì chuyển tải bằng từ ngữ trước đó. Tương tự, các emoji còn giải thích thêm cách hiểu cho từ ngữ, bổ sung hay chêm đệm cho ý nghĩa, chẳng hạn một emoji nháy mắt có thể làm giảm nhẹ nội dung chuyển tải mà thiếu nó, có thể ta sẽ hiểu sang chiều hướng tiêu cực.
Bạn đã sử dụng những emoji nào trong suốt mùa covid-10 vừa qua?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận