Trước giờ, nhắc đến viện dưỡng lão ai ai cũng nghĩ đến nơi chăm sóc sức khỏe, đời sống tinh thần cho người cao tuổi. Tuy nhiên khái niệm "viện dưỡng lão" đã thay đổi, ít nhất là ở Trung Quốc, khi ngày càng nhiều người trẻ đến những nơi này để chữa lành tinh thần hay tận hưởng ngày tháng "nghỉ hưu sớm" của mình.
Các "viện dưỡng lão" này được mở ra nhằm đáp ứng những xu hướng mới, chỉ vừa xuất hiện trong những năm gần đây: FIRE (tạm dịch: "Độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm") hoặc tang ping (hay còn gọi là "nằm im").
Chỉ cần "cột sống" bất ổn là phải đi... chữa lành
Không chỉ xuất hiện ở những thành phố lớn, các tỉnh như Vân Nam, Sơn Đông... cũng có vài "viện dưỡng lão" dành cho người trẻ. Họ có xu hướng tập trung vào sức khỏe tinh thần của khách hàng là chính, nhằm mục đích... chữa lành những "cột sống" bất ổn. Các "viện dưỡng lão" này thường có quán cà phê, phòng karaoke hay cả quán bar... để các thành viên giao lưu với nhau, trút bầu tâm sự hay chỉ đơn giản là thư giãn đầu óc.
Tuy nhiên, thành viên của những "viện dưỡng lão" dành cho người trẻ không hề có ý định lãng phí hàng thập kỷ đời mình chỉ để quanh quẩn trong khuôn viên nơi này. Đối với họ, khái niệm "nghỉ hưu" là tạm thời sống trầm lắng hơn, để được nghỉ ngơi sau những năm tháng miệt mài gầy dựng sự nghiệp.
Cô Lu Leilei (32 tuổi, chủ một "viện dưỡng lão" dành cho người trẻ ở Vân Nam) cho biết: "Một số người thắc mắc tại sao lại có những thanh niên 'nghỉ hưu' sớm như vậy?! Tuy nhiên, một số bạn trẻ ở độ tuổi 30 thường cảm thấy lạc lõng. Tôi cũng từng như họ nên hiểu và cảm thông".
Tại trung tâm của Lu, ngày mới bắt đầu bằng một tách cà phê. Sau đó các thành viên sẽ thong thả tập luyện thể dục, khí công hoặc ngồi thiền trên núi. Vào buổi chiều, mọi người dành thời gian để làm nông, câu cá trên sông và cùng nhau nấu bữa tối.
Cuối ngày, cộng đồng tụ tập quanh lửa trại cùng "chill" với rượu, trò chuyện, hát karaoke hay chơi mạt chược.
Trung tâm của Lu có quy mô 12 phòng ngủ. Phí thuê hằng tháng là 1.500 nhân dân tệ (hơn 5,2 triệu đồng) cho mỗi cư dân.
Ở một "viện dưỡng lão" dành cho người trẻ khác ở Hà Bắc, người sáng lập Li Xiaolan không tính phí cư dân, nhưng yêu cầu các thành viên đóng góp kinh phí duy trì và phát triển trung tâm.
Trên nền tảng mạng xã hội Douban, nhóm cộng đồng FIRE thu hút gần 250.000 thành viên. Ngày càng nhiều người được truyền lửa bởi xu hướng "Độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm". Họ quan tâm đến phong trào, đồng thời khiến trào lưu "tang ping" trỗi dậy. Đây là một nhóm gồm những người trẻ chỉ ưu tiên làm những công việc thiết yếu nhằm mục đích sinh tồn, không quan tâm đến những công việc phức tạp, quá sức mình.
Tuy nhiên, tréo ngoe ở chỗ lối sống FIRE thường được những cá nhân ở phương Tây có giá trị tài sản ròng cao theo đuổi, còn ở các quốc gia như Hàn Quốc và Trung Quốc, nhiều lao động hay "nhân viên lương 5 triệu đồng" lại tối ngày đi... chữa lành. Thậm chí cả những thanh niên thất nghiệp cũng đòi bình ổn cho... "cột sống" của mình?!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận