Ở Pháp ước tính có 2,5 triệu phụ nữ “tè dầm” trong đêm, ở Mỹ con số này chiếm 50,8% số phụ nữ từ 45-70 tuổi. Còn ở ta chưa có thống kê cụ thể, vì tâm lý e ngại, không muốn cho nhiều người biết, nhưng chắc con số này không nhỏ.
“Tè dầm” do tuổi tác
Lão hoá là một quá trình sinh học không ai tránh khỏi. Bàng quang là cơ quan chứa nước tiểu cũng không ngoại lệ. Khi nước tiểu từ thận chảy xuống bàng quang chừng 300-400 ml sẽ truyền tín hiệu lên não để chúng ta buồn đi tiểu. Tuy nhiên khi bạn đang ngồi họp, đang dở dang công việc thì dù não đã “reng chuông” bạn vẫn có thể nín thêm một thời gian. Đó là do ở cổ bàng quang có hệ thống cơ thắt. Cơ thắt trơn hoạt động tự động, chúng rất mạnh ở trẻ nhỏ, nên bàng quang đầy nước là chúng “mở cửa” để nước cứ thế mà tuôn ra. Còn cơ thắt vân từ 4 tuổi trở đi bắt đầu hoàn chỉnh, hoạt động tự chủ, có tác dụng kiềm hãm cơ thắt trơn, nên bạn mới chủ động muốn xả hay nín chờ khi có điều kiện.
Người cao tuổi các cơ quan đều “lên lão”, phản xạ từ não bộ bắt đầu kém, trương lực của cơ thắt vân ở cổ bàng quang không còn mạnh như trước, cộng thêm những tác động của quá trình sống đến vùng bàng quang, gây nên tình trạng tiểu tiện không tự chủ.
Còn tại sao nằm mơ thấy mắc tiểu rồi ra toilet? Bởi nước tiểu chừng 250 ml là thần kinh tự động ở bàng quang “báo” lên não. Não đang bị lão hoá hoặc stress tấn công, nên các nơ rôn liên kết với sự việc xảy ra trong hiện tại mà sinh ra ra giấc mơ “đi tiểu”. Thế là não truyền tín hiệu “mở van” cổ bàng quang, nước tiểu cứ thế mà ào ra.
“Tè dầm” do những tác động khác
Estrogen, một hormon của buồng trứng làm tăng trương lực cơ thắt vân ở cổ bàng quang, và niêm mạc cơ bàng quang. Phụ nữ mãn kinh thiếu hụt estrogen, “cái bình chứa và van nước” đều yếu dẫn đến tình trạng tiểu không tự chủ.
Ngoài ra, trong thời kỳ thai sản những phụ nữ bị mổ bắt con, cắt bỏ tử cung, sa tử cung đều ảnh hưởng đến nhóm cơ vùng chậu mà bàng quang nằm liền kề, nên cũng dễ bị tiểu không tự chủ.
Những chị em bị nhiễm trùng tiểu không điều trị triệt để làm dung tích bàng quang nhỏ lại, cơ thắt ở cổ bàng quang bị viêm mãn thì tè dầm là điều không tránh khỏi.
Một số bệnh tưởng chẳng liên quan gì đến “cái bình và van nước” cũng xin chị em lưu tâm. Đó là béo phì, mỡ ứ trong bụng chèn vào bàng quang khiến bàng quang và cơ thắt yếu đi cũng dễ bị “tè dầm”. Phụ nữ bị stress triền miên (chồng ngoại tình, con cái hư hỏng, mất việc, mâu thuẫn trong gia đình, đồng nghiệp kéo dài…) khiến não bộ không thể điều khiển cơ thắt bàng quang nhịp nhàng được, sẽ gây “tè dầm”.
Đó còn là do uống rượu gây nhiễm độc thần kinh, uống nhiều cà phê buổi tối dù khoe là “ngủ được”, nhưng cafein lại kích thích cơ thắt trong khi ngủ nên có thể làm cho “tè dầm”.
Các biến chứng của “tè dầm”
Tè dầm gây lo lắng, bấn loạn tâm lý rất dễ dẫn đến trầm cảm, nếu không nhanh chóng điều trị. “Tè” khi đang ngủ lại làm biếng không vệ sinh sạch sẽ, lau khô sẽ dẫn đến nhiễm trùng vùng kín, nhiễm trùng tiểu.
Đã lỡ mang căn bệnh “tè dầm” thường các chị không dám đi du lịch, không dám ngủ chung với bạn bè, quan hệ xã hội thu hẹp lại nên mặc cảm, tự ti xuất hiện. Với ông xã thông cảm còn đỡ, có ông đòi ngủ riêng, không muốn quan hệ (bởi mỗi lần “ấy” lại rò rỉ nước tiểu), thì đẩy bà vợ rơi vào trầm cảm nhanh hơn.
Đừng ngại đến bác sĩ
Ở ta phụ nữ cứ ngại đến bệnh viện trình bày cái bệnh khó nói này. Tuy nhiên hễ xuất hiện “mưa đêm” 2 lần là phải đến gặp chuyên khoa tiết niệu, tìm nguyên nhân mà giải quyết rốt ráo.
Nếu do nhiễm trùng tiểu mãn tính thì cấy nước tiểu, tìm vi khuẩn và chỉ một tuần sau là êm.
Nếu không do nhiễm trùng, lại chưa đến cơ sở y tế ngay thì các chị nên làm những việc sau:
-Uống đủ 2 lít nước từ sáng đến 5 giờ chiều. Sau bữa chiều chỉ uống vài ngụm nước. 9 giờ đi tiểu rồi lên giường ngủ, để đồng hồ báo thức lúc 11 giờ 40 phút thức dậy đi tiểu.
-Đồng thời làm tăng trương lực cơ thắt vân và cơ bàng quang bằng các bài tập Kegel. Nếu không biết Kegel là gì thì ngồi, đứng hay nằm cứ hít vào sâu, thót hậu môn, cơ bàng quang cũng chuyển động, thở ra thì hậu môn giãn. Ngày làm 3 lần, mỗi lần 10 phút.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận