Tháng 3-5 và 9-12, theo lịch, TCM đang vào mùa, thực tế đã có những báo cáo tử vong đầu tiên.
1. Bệnh “mết” trẻ con
Khập khiễng, so COVID-19, TCM có vài điểm nặng hơn: chưa có đặc trị/vaccine và không như corona, coxsackie A16, enterovirus 71 lại “máu” trẻ con.
2. 5K cải biên
Thông điệp 5K, cơ bản xài tốt cho TCM, chỉ là nhấn nặng khoản rửa tay, tức cải biên sẽ là 1R-4K (rửa tay - khử khuẩn - khẩu trang - khoảng cách - không tụ tập). Có điều cốt lõi không dành cho trẻ mà cho người lớn.
3. Phát hiện TCM nặng - sống còn
Không lập lại chi tiết, nhiều người nằm lòng, chỉ thử làm tươi vấn đề với những yếu tố tạo “khác biệt” ít được để ý. Hầu hết TCM nhẹ, chỉ một số biến chứng nặng. Chính thế, phát hiện TCM nặng là yếu tố sống còn.
Ngoài vấn đề chủng virus EV71, “thánh” biến chứng, còn có một số yếu tố liên quan TCM nặng, dựa vào một nghiên cứu, rất đáng tham khảo:
-Trẻ dễ bị TCM nặng hơn, nếu trong vòng 14 ngày trước khi phát bệnh, được chăm sóc bởi người nam/cha/ông hơn là nữ/mẹ/bà. Điều tương tự với trình độ học vấn.
-Trẻ dễ bị nặng nếu có trên 2 trẻ <5 tuổi sống chung gia đình.
-Trẻ ít gặp nguy hơn nếu được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.
4. Dấu hiệu TCM nặng
Không mới, theo nghiên cứu, dấu hiệu TCM nặng gồm nôn ói, sốt >39 độ C, thở nhanh, mạch nhanh >130 lần, ngủ gà, co giật, chới với, lơ mơ, loạng choạng, kèm một số dấu hiệu về tiểu cầu, đường huyết....
5. Sâu sát hơn
Về điểm giới tính, trình độ của người chăm sóc, có thể gây phật ý, nhưng hợp lý. Ông bố, trăm công nghìn việc, khó sâu sát và nhạy cảm hơn so với bà mẹ. Lần nữa chứng tỏ giá trị của việc theo dõi sát trẻ TCM. Chỉ với dấu hiệu giật mình, vốn chỉ thoáng qua, không nhìn thấu là bỏ lỡ cơ hội cứu mạng trẻ. Lưu ý, đây chỉ là kết quả một nghiên cứu.
6. Thắng từng trận chiến
Sự khác biệt còn thành bại trận với những chi tiết bé như kim khâu. Ngoài các yếu tố trẻ đi học, hay lui tới nơi khu vui chơi, còn có các “tham số” nhà cửa chật chội, đông người, thiếu vệ sinh. Trẻ có/không rửa tay trước khi ăn, sau khi vệ sinh. Người lớn có/không rửa tay trước khi chăm sóc, chế biến thức ăn, cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh...
7. Hết sức chú ý
Ai cũng có thể mắc TCM, nhưng “ái lực” dành cho trẻ cao hơn vì miễn dịch yếu hơn. Rải rác, thanh thiếu niên, người lớn vẫn mắc, nhờ miễn dịch kiểu “sung rụng”, bệnh thường nhẹ hoặc ở thể không triệu chứng. Ngặt đây là nguồn lây “nham hiểm” cho trẻ. Số người lành mang trùng TCM có thể lên đến 40%.
8. Mẹ & Bé
Chuyện Mẹ & Bé lây cho nhau lắm khi cầu kỳ. Mẹ là giáo viên mầm non lây từ bé mầm chồi, về nhà lây cho con. Bé bệnh lây cho mẹ chăm sóc, mẹ từ viện về lây cho bé khỏe ở nhà. Chăm vô trẻ, trong khi virus “giương đông kích tây” từ người lớn. Quát trẻ rửa tay, còn người lớn dĩ hòa vi quý.
9. Vaccine TCM mỏi mòn trông
Nhà Enterovirus con đàn cháu đống, mắc một lần chỉ miễn dịch một thể, trẻ vẫn còn nguyên “danh sách chờ” phía trước. COVID-19 có vaccine, TCM thì không. Vì nhiều lẽ, bệnh thường nhẹ, quy mô nhỏ, nhưng cơ bản là quân số. Việc EV71 sớm có khắc tinh còn bỏ ngỏ, dự là còn xa.
10. Thời gian lây truyền
Virus TCM là siêu vi trùng đường ruột, nổi tiếng dai, rối, lắm chiêu nhiều trò. Chỉ với đường lây, thời gian lây, đủ nhiêu khê khiến người khinh suất.
Cụ thể, TCM bắt đầu lây ngay từ vài ngày trước khi phát bệnh, “gấu” nhất trong tuần đầu của bệnh, có thể kéo dài, thậm chí sau khi hết triệu chứng. Virus có thể đào thải qua phân 2-4 tuần, cá biệt có thể đến 12 tuần sau nhiễm. Virus cũng có thể sống và nhân lên trong đường hô hấp trên, thải qua dịch tiết hầu họng trong vòng 2 tuần. Việc đeo khẩu trang với trẻ, hóa một công đôi việc, vừa ngăn COVID-19 vừa cự lại TCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận