Theo nhà thần thoại học Ấn Độ Devdutt Pattanaik, trong các văn bản kinh sách còn lưu truyền tới nay đều có rất ít thông tin trực tiếp về những vật cưỡi của thần Ganesha. Trong thần thoại Ấn Độ, thần Ganesha có tám hóa thân.
Trong các hóa thân đó, có lúc thần cỡi sư tử, lúc khác thì cưỡi chim công, hay một con rắn, một con ngựa, một con cừu. Tuy vậy, rốt lại thú cỡi của thần cũng “ổn định” ở… con chuột, trong lần hóa thân cuối cùng của ngài.
Theo nhà nghiên cứu Martin-Dubost, chỉ từ thế kỷ thứ 7, trong các tác phẩm điêu khắc ở miền trung và miền tây Ấn Độ, con chuột mới bắt đầu xuất hiện như thú cưỡi chính thức của thần Ganesha.

Thần thoại Ganesha Purana kể: con chuột của thần Ganesha vốn là một nhạc sĩ trên chốn thiên đình, tên là Krauncha. Lần nọ, do vô tình giẫm lên chân của Vamadeva - nơi tòa án của thần Indra, người nhạc sĩ ấy đã bị nguyền rủa, hóa thành chuột.
Tuy vậy, chuột Krauncha lại lớn như một ngọn núi, làm rối loạn và phá hỏng đạo tràng (nơi tu hành Phật đạo) của nhà hiền triết Parâshara. Khi thần Ganesha tới giải nguy, ông đã buộc thòng lọng vô cổ Krauncha, buộc con chuột ấy phải phủ phục dưới chân mình. Rồi Ganesha quyết định sử dụng Krauncha làm vật cưỡi.
Lúc Ganesha lần đầu đứng trên mình Krauncha, con chuột lớn như trái núi ấy đã khóc vì quá đau đớn, dưới sức nặng của thần. Vì vậy, thần đã làm cho mình trở nên nhẹ nhàng hơn, rồi từ đó chính thức thu phục chuột Krauncha.
Ngày nay, theo nhà thần thoại học Devdutt Pattanaik, có rất nhiều cách suy đoán vì sao Ganesha - vị thần đầu voi được tôn vinh là “Kẻ chinh phục chướng ngại vật” - lại cưỡi chuột.
Con chuột có khả năng tuyệt vời là… chui được qua những lỗ nhỏ và đường hẹp, ngay cả trong màn đêm. Nhờ cưỡi chuột, thần Ganesha có thể đi vào tất cả ngõ ngách của thế giới, để mang ân sủng của mình vào, và cũng để diệt mọi chướng ngại vật.
Có một cách giải thích khác, rằng lũ gặm nhấm luôn phá hủy mùa màng, ăn hết ngũ cốc dự trữ, gây thiệt hại nặng nề cho nền nông nghiệp thời cổ đại. Vì vậy, hình tượng thần Ganesha dùng con chuột làm vật cưỡi, thể hiện nỗi khao khát chế ngự cái loài gây hại ấy, khắc phục mối đe dọa chủ yếu đối với sự thịnh vượng của xã hội.
Một số nhà thần thoại học lại lưu ý rằng con chuột tượng trưng cho những ham muốn, đại diện cho bản ngã, với những mong muốn, tự mãn của cá nhân. Con chuột cũng là biểu tượng của bóng tối, của nỗi sợ ánh sáng, sợ… kiến thức.
Nó thâm nhập vào cả những nơi bí mật nhất, như một… tâm trí bướng bỉnh lang thang, trượt vào những nơi mà ta không nghĩ rằng nó có thể chui vô đó. Khi “con chuột” trong tâm trí (hay con… “chuột lòng”) hoành hành, nó sẽ gặm nhấm mọi thứ trong tầm mắt, khác nào ham muốn tự cao tự đại xâm nhập vào tính cách, và ăn hết những điều tốt đẹp mà con người vốn có trong mình.
Vì vậy, hình ảnh thần Ganesha cưỡi trên đầu chuột, chính là cuộc chinh phục hoàn toàn đối với… bản ngã! Khi đặt con chuột dưới chân thần Ganesha, người Ấn Độ đã mô tả sự khao khát, rằng bản ngã phải phụ thuộc vào ý chí của… người đàn ông khôn ngoan.
Khi voi cưỡi chuột, điều đó cho thấy cái lớn nhất vẫn cần cái nhỏ nhất. Nói cách khác, người khôn ngoan không tìm thấy bất cứ điều gì trên thế giới là không cân xứng, phi lý hoặc xấu xí. Con chuột bổ sung cho con voi trong việc tạo nên một thế giới hoàn chỉnh, không phân biệt đối xử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận