Nếu bạn đã sẵn sàng cho các cuộc du ngoạn cuối năm, xin chớ quên những gì có thể xảy ra có thể làm mất vui kế hoạch đi chơi của bạn. Ngoài chuyện COVID-19 ám ảnh mọi người cả năm nay, còn hàng loạt thứ rắc rối khác sẵn sàng nhảy xổ vào du khách:
1. Say tàu xe: Sự chuyển động dập dình của tàu xe, mùi xăng hay mùi nồng nặc của nệm trên xe được ủ kín với hơi người ….tất cả đều gây nên hội chứng "say".
Biểu hiện say nhìn chung có vô số triệu chứng : khó chịu, nôn nao, choáng váng, tiết dịch ở miệng nhiều như "bà bầu", cồn cào bao tử rồi buồn nôn và nôn thốc nôn tháo. Nhìn người say thấy da xanh nhợt nhạt, vã mồ hôi, thở nhanh.
Xử trí: Trong hành lý của mỗi gia đình nên chuẩn bị thuốc chống say như Nautamin hoặc Vomina, uống nửa giờ trước khi đi.
Dân gian có cách ngậm gừng sống hay ăn mứt gừng với những trường hợp say nhẹ. Các lọai dán sau tai hay đeo vào tay chỉ có tác dụng "tâm lý chiến" đừng vội dùng vì chính tác giả đã chứng kiến một bạn đồng hành vừa dán, vừa đeo vẫn nôn vọt, dùng hết 6 cái túi nôn trong chặng 100 km.
2. Ra biển gặp gì? Nhiều bạn học kiểu Tây nên mang phơi thân ra nắng để chuyển màu vàng thành nâu là màu đang mode. Phơi nắng lâu có thể bị say nắng.
Triệu chứng : Vã mồ hôi, nhức đầu, khó chịu, mặt đỏ nhừ, kêu ngạt thở, có thể đau bụng, nôn. Tiếp đến là chóng mặt, hoa mắt, da nhợt nhạt, mạch nhanh, có thể ngất lịm đi. Nhiệt độ tăng vọt lên tới 40-42 độ và có thể co giật. Người bị cao huyết áp hay xơ vữa động mạch mà say nắng rất dễ bị tổn thương thần kinh khó hồi phục.
Xử trí : Đưa ngay vào chỗ mát, cạy miệng cho uống nước pha chút muối, chườm lạnh bằng đá để hạ nhiệt. Đặc biệt chú ý chườm trán và gáy. Tiếp đến là đưa đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.
Tắm biển cũng có thể gặp rủi ro. Để tránh chết đuối tốt nhất là không bơi ra vùng cấm.
Tuy nhiên từ thành phố ra biển chẳng may gặp nước biển ô nhiễm cũng có thể bị ngứa. Tốt nhất là tắm kỹ, gội đầu lại bằng nước ngọt. Nếu da nổi mẩn, ngứa đến mức "sột sọat luôn tay tựa gẩy đàn" thì nên bôi kem cortibion và uống thuốc chống dị ứng clarityne 10 mg, ngày 1 viên
3. Dị ứng đồ ăn : Ra biển mà không ăn đồ biển thì phí. Nhiều bạn đã biết mình dị ứng tôm, cua nhưng mùi thơm ngào ngạt cộng thêm máu "anh hùng" nên quyết không chịu thua. Sau khi ăn da nổi lên từng mảng như dề cơm cháy, ngứa không chỉ bên ngoài mà như từ trong họng ngứa ra. Có người chưa từng bị suyễn nhưng dị ứng đồ biển có thể gây co thắt, phù nề phế quản. Dị ứng vào đến phế quản coi chừng có phen ngừng thở.
Xử trí: Thuốc chống dị ứng, làm giãn phế quản dưới dạng xịt phải mua và dùng ngay. Đây đúng tinh thần của câu "thần khẩu hại xác phàm".
4. Lên cao nguyên gặp gì ? Hoa đẹp đến nao lòng khắp cao nguyên Đà Lạt. Huơng thơm dễ chịu đến mức bạn cảm giác đi vào một thế giới của các lọai hương. Ấy vậy mà phải coi chừng cái mũi. Có người hắt hơi liền 10 cú, chảy nước mắt, mắt đỏ và ngứa tức là bị dị úng với hương của hoa .
Đó là chưa kể cái lạnh của cao nguyên cũng làm cho mũi bạn phản ứng vì chưa quen. Nhiều người ở thành phố khốn khổ vì những cú hắt xì hơi do làm việc trong phòng lạnh mà hai lỗ mũi không sao thích nghi đựơc. Muốn cho chuyến đi trọn vẹn, bạn đành dùng thuốc chống dị ứng (biết làm sao được, công việc mà).
Viêm da do côn trùng cắn, đốt bạn đừng coi thường những con kiến. Kiến kim, kiến lác, kiến gạo, kiến cong đít… loại nào cũng có chất độc. Nhẹ thì gây ngứa, nặng thì làm sưng tướng lên thành nhọt.
Xử trí: Khi bị kiến đốt bạn dùng nước muối 0,9% hoặc nước vôi loãng chấm lên vết cắn. Nếu chỗ đốt sưng tấy lên thành quầng đỏ, thì cần bôi kem cortibion, đừng để nó biến thành một ổ mủ.
5. Rắn cắn : Ở cao nguyên hay về khu du lịch sinh thái cũng có thể bị rắn cắn. Hầu hết du khách đi đêm giẫm vào chúng, chúng cắn, phun nọc độc vào vết cắn để tự vệ. Trước hết là đau, bầm tím tại chỗ, nếu rắn độc thì chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, mệt lả, ngất xỉu, sụp mi mắt, liệt cơ mặt…
Xử trí: Tốt nhất là buộc garô bên trên chỗ cắn để hạn chế nọc độc lan tỏa, rồi đưa nhanh đi cấp cứu.
6. Đi đâu cũng có thể bị :
- Thực phẩm không đảm bảo vệ sinh : dễ bị "Tào Tháo rượt" . Thực ra tiêu chảy là cách thải độc nên đừng dùng thuốc cầm ngay. Sau khi đi 2 lần hãy dùng Imodium. Thế là trong hành trang du lịch phải mang theo vài viên kẻo bị rượt chạy không nổi.
- Gãy xương : Đặc biệt với những cô bác lớn tuổi. Sàn nhà còn ướt, nhà vệ sinh trơn, vấp ngã bậc thềm, cầu thang. Gặp tai nạn gãy xương thì kể như chuyến đi của cả gia đình xui xẻo. Đành cử người quay về đưa nạn nhân đi bó bột. Nếu bạn mang theo ông bà ba mẹ, cần có người theo sát để chuyến đi trọn vẹn.
- Hội chứng nhà kính : Được ngủ trong phòng có máy điều hòa mát lịm, mấy ông bà già thấy "chết cũng đáng". Nhưng môi trường nhân tạo lại đẻ ra những vấn đề mà ít người chú ý. Tự nhiên ông bà kêu nhức đầu, khó thở, cảm giác ngộp thở hoặc chóng mặt, buồn nôn, nghẹt mũi. Hoặc là kêu mệt mỏi, khó ngủ, hôm sau vận động mãi các cụ chịu đi xem danh lam thắng cảnh lại thấy… vui như không có chuyện gì xảy ra. Đó là hội chứng nhà kính.
Nguyên nhân của hội chứng này là do chất độc hại từ khói thuốc lá, sơn tường, thảm, thuốc sát trùng, chất xịt thơm… làm ô nhiễm bầu không khí kín mít. Rồi nấm mốc sinh sôi phát triển khi máy lạnh tắt đi, ủ chúng lại trong bầu không khí thiếu ánh nắng và ánh sáng. Trước khi vào phòng nên đề nghị khách sạn cho thay drap, quạt phòng, mở cửa sổ thoáng chừng 3 giờ liền rồi hãy đóng cửa, bật máy lạnh sẽ hạn chế những khó chịu trên.
Các bác lớn tuổi lại bị cao huyết áp nhớ mang theo thuốc uống mỗi ngày và tốt nhất không nên ngủ phòng lạnh để tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột dễ gây tai biến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận