Y học Đông phương gọi mối quan hệ qua lại giữa con người và môi trường là “thiên nhân hợp nhất”. Trong những thế kỷ qua, con người đã tìm mọi cách thích nghi với sự thay đổi của thời tiết bằng các phương tiện như điều hòa nhiệt độ, dời chỗ ở tránh nóng hoặc tránh lạnh, truyền thông về chế độ dinh dưỡng(ăn thực phẩm gì mát, thực phẩm nào làm ấm…).
Tuy nhiên trong những thập niên gần đây Tổ chức khí tượng Thế giới đã cảnh báo tình trạng ô nhiễm khí thải nhà kính, khí và hóa chất thải công nghiệp, việc lạm dụng phụ gia thực phẩm….đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Các bệnh hen suyễn, tim mạch , ung thư và bệnh lý tâm thần ngày càng gia tăng tác động nghiêm trọng đến chất lượng sống và tuổi thọ. Dù con người tìm mọi cách để thích nghi thì cơ thể vẫn bị ảnh hướng nhiều hay ít, thậm chí có thể tử vong vì thời tiết nóng quá. lạnh quá hoặc môi sinh ô nhiễm quá.
Chuyển mùa
Thời tiết chuyển từ lạnh sang nóng hay ngược lại , một số chức năng chưa kịp thay đổi sẽ sinh bệnh đặc biệt ở những cơ thể đề kháng yếu như trẻ em, phụ nữ, người già. Vi khuẩn, virus, bệnh tự miễn cũng được dịp mà hoành hành. Chúng ta dễ thấy bệnh đường hô hấp trên, sốt xuất huyết , cúm, sởi, quai bị, viêm não…bùng phát trong mùa mưa miền Nam và mùa đông miền Bắc. Mùa nắng của cả hai miền Nam Bắc là dịch tiêu chảy, đau mắt đỏ và say nắng…
Nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy :sương mù ở Luân- Đôn và nóng nực ở núi An-Pơ được xem là “mùa tự tử”. Người ta trở nên hung hăng, dễ gây gổ hơn trong thời tiết nóng. Nghiên cứu của Viện Tâm thần Quốc gia Mỹ cho thấy :sự thay đổi thời tiết có thể ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi cư xử của hơn 27% dân Mỹ. Mùa xuân số người tự tử tăng lên, còn mùa đông thì số người rơi vào “Hội chứng lo âu, trầm cảm “ nhiều hơn. Cư dân thành phố dễ chịu ảnh hưởng của thời tiết hơn là cư dân nông thôn bởi người dân nông thôn gần với thiên nhiên hơn cư dân thành phố.
Nhiệt độ ngoài trời và bệnh tật
Mùa đông tuyết rơi, lạnh tới độ âm, ra ngoài trời mạch ngoại biên co, mạch nội tạng giãn ra, người bệnh cao huyết áp dễ bị đột quị. Các nhà khoa học Anh công bố rằng mủa đông tỷ lệ suy tim cao hơn mùa hè tới 50%.Các nhà khoa học Tây Ban Nha tổng kết là mùa đông tỷ lệ thiếu máu cơ tim tăng chừng 2,4%. Bác sĩ chuyên khoa dị ứng Majed Koleilat thấy trời lạnh là yêu tố cơ hội làm phát sinh cơn khó thở do suyễn. Quá lạnh sẽ gây ra mất cảm giác, rối loạn tâm thần gọi là frost-bite. Nếu không được ủ ấm có thể tử vong vì máu đông lại, mất khả năng lưu thông. Lạnh quá insulin hấp thu vào tế bào kém, tình trạng ấy kéo dài có thể là căn nguyên sinh bệnh tiểu đường type I. Trời lạnh và ẩm là cơ hội cho bệnh thấp tim ở trẻ em và thấp khớp ở người lớn tuổi.
Thời tiết nóng cơ thể thải nhiệt qua đường mồ hôi. Với những người lao động cơ bắp thì tim phải gồng lên làm việc để đưa chất bổ dưỡng đến cơ. Nếu không bồi phụ nước và muối đủ có thể suy tim nhất thời do nóng. Nghiên cứu ở Trung tâm chữa trị nhức đầu Stanforf, Connecticutt cho thấy 62% bị nhức đầu khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh. Mùa nóng bệnh thiên đầu thống (Glaucome) cũng tăng lên. Những người ra nắng nhiều da sẽ bị khô, mau lão hóa…
Làm sao để thích nghi?
Bạn ra nước ngoài thấy mùa đông các bậc cha mẹ đẩy xe nôi cho con ra ngoài đường đang phủ tuyết để chúng quen với lạnh. Mùa hè chúng được tắm nắng buổi sáng. Cách làm như vậy để trẻ thích nghi dần với những biến động của thời tiết, sức chịu đựng sẽ tăng lên. Điều dễ thấy ở ta là trẻ nông thôn khỏe mạnh và chịu đựng với thời tiết tốt hơn là trẻ ở thành thị. Rèn luyện thân thể mỗi ngày ngoài công viên, trong hồ bơi hay bất cứ khoảng không nào để hòa mình với thiên nhiên đều làm tăng khả năng chịu đựng của cơ thể với những thay đổi của môi trường.
Ngoài ra chế độ ăn uống hợp lý với thực phẩm nâng cao sức đề kháng như ăn tỏi, uống rượu tỏi, ăn nhiều cà rốt, sữa chua, bắp cải xanh là những chất chống oxy hóa tế bào. Ăn con hàu bổ sung kẽm, cà chua chứa lycopen chống ung thư. Tất cả những rau củ quả của ta nếu sạch sẽ, không chứa thuốc trừ sâu đều làm tăng sức đề kháng của cơ thể.
Cuộc sống tinh thần thoải mái, ngủ đủ, chống stress cũng quan trọng không kém chế độ ăn uống hợp lý.
Và sau cùng vấn đề vệ sinh bầu không khí, nguồn nước, tránh bụi bặm, sử lý khí thải, chất thải thật tốt, tiêm phòng bệnh trước khi thời tiết chuyển mùa mới đảm bảo tăng cường sức khỏe của mỗi người. Tổ chức y tế Thế giới đã ước tính có 2 triệu người chết mỗi năm do tình trạng ô nhiễm không khí. Nếu chúng ta không giữ gìn rừng phòng hộ, không tạo ra nhiều lá phổi xanh và các doanh nghiệp không có hệ thống sử lý chất thải thì ung thư và các bệnh lý khác vẫn còn là điều báo động với hơn 80 triệu dân nước ta. Nước sạch đang là vấn đề nhức nhối đặc biệt ở các thành phố lớn. Thời tiết thất thường, môi sinh ô nhiễm đang gậm nhấm , tàn phá sức khỏe bà con mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận