Cơm cung cấp năng lượng cần thiết cho bộ não và các hệ thống của cơ thể hoạt động bình thường, giúp kiểm soát lượng đường huyết, giảm cholesterol, làm đẹp da và chống lại ung thư… Thế nhưng ngày nay nhiều người lại cho rằng, cơm chính là nguyên nhân gây ra bệnh béo phì, do đó họ lựa chọn cắt giảm cơm ra khỏi khẩu phần ăn và thay thế bằng các loại đồ ăn vặt khác. Liệu quan niệm này có đúng với mọi trường hợp?
Ăn cơm là tăng cân?
Giải đáp về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm - trường ĐH Bách Khoa Hà Nội) nhấn mạnh: “Không phải cứ ăn nhiều cơm là tăng cân”. Tuy cơm chứa nhiều tinh bột - là thành phần gây tăng cân, nhưng việc tăng hay giảm cân còn phụ thuộc vào hai yếu tố khác là: cường độ vận động và khả năng tiêu hóa của cơ thể.
Chẳng hạn, có nhiều đối tượng "người gầy, thầy cơm", dù họ có nạp bao nhiêu tinh bột đi nữa thì cân nặng vẫn không thay đổi, hoặc nếu có thì tăng cũng rất ít. Bởi lẽ cơ thể của họ không thể tiêu thụ được tinh bột, mà một cơ thể không có đủ tinh bột thì làm sao béo được?
Ngược lại, có những người ăn rất ít cơm nhưng lại dễ béo bởi cơ thể họ được vận hành theo cơ chế hấp thụ tốt tinh bột. Ngoài ra, có thể do họ lười vận động, ngồi quá nhiều.

Vị chuyên gia cũng phân tích, theo khuyến cáo chế độ ăn của Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, mỗi ngày con người cần tiêu thụ 12-15% chất đạm, 25% chất béo còn lại là đường bột. Điều đó có nghĩa cơm là một nguồn năng lượng chính, không thể loại bỏ, nếu loại bỏ sẽ gây mất dinh dưỡng.
Xong thực tế, đường bột không chỉ có trong cơm mà còn từ rất nhiều thực phẩm khác như trái cây, bánh, kẹo, đồ uống có ga... Do đó, nếu bạn giảm cân bằng cách cắt giảm lượng cơm nhưng lại ăn quá nhiều đồ ăn vặt và những loại quả chứa nhiều đường như xoài, thanh long, na… thì con đường giảm cân của bạn chắc còn lâu mới đến được đích.
Nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho hay: Một số người giảm cân thất bại bởi họ chỉ nhịn cơm nhưng lại nạp vào cơ thể các loại đường cao năng lượng khác. Họ đổ thừa cho cơm là nguyên nhân gây béo phì mà không biết nguyên nhân thực sự khiến bản thân không giảm được cân là gì.
Trước đây, cơm chiếm khẩu phần chính trong bữa ăn, nhưng hiện nay người dân không ăn quá nhiều cơm, do đó lượng tinh bột họ nạp vào là đến từ đồ ăn vặt, đồ ăn nhanh… đó mới là những món ăn nên hạn chế.
Làm sao để ăn cơm mà vẫn giảm cân?
Như vậy, cơm không phải thủ phạm chính gây tăng cân, mà do chúng ta ăn vặt nhiều, lười vận động, tiêu thụ cơm sai cách mới gây nên tình trạng này.
Tuy nhiên, nếu bạn vẫn lo lắng rằng ăn cơm sẽ gây tăng cân thì có thể giảm lượng cơm tiêu thụ hàng ngày và thay thế chúng bằng những chất tinh bột có năng lượng thấp hơn gạo như ngô, khoai, sắn. Đây đều là những tinh bột chuyên dùng để giảm cân bởi chúng sẽ tăng cảm giác no lâu, làm giảm sự thèm ăn và giữ cho cơ thể không muốn nạp thức ăn vào quá nhiều.
Đồng thời, bạn nên uống nước (hoặc nước canh) trước khi ăn sẽ làm tăng quá trình chuyển hóa năng lượng, thúc đẩy quá trình giảm cân hiệu quá.
Đối với trường hợp bệnh nhân tiểu đường, cần hạn chế lượng cơm trắng tiêu thụ vào cơ thể bằng cách giảm lượng cơm, ăn nhiều rau và trái cây sẽ tốt cho sức khỏe người bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận