NƯỚC Ý MUỐN CHỐNG... "MA CÀ RỒNG"
Hôm 22-7 vừa qua, Hãng tin AFP cho biết: Đảng “Phong trào 5 Sao” (viết tắt là M5S) trong liên minh cầm quyền ở Ý, vừa trình Hạ nghị viện Ý một dự luật nhằm ngăn chặn và chữa trị chứng Nomophobia (ám ảnh vì sợ mất kết nối hoặc không thể sử dụng điện thoại di động).
Bản dự thảo dự luật do M5S đề xuất đã trích dẫn nghiên cứu và lời khuyên từ các nhà tâm thần học, so sánh chứng Nomophobia với tệ... nghiện cờ bạc.
Cũng theo họ, Nomophobia can thiệp vào việc sản xuất “hoócmôn hạnh phúc” dopamine trong não. Mức độ dopamine cao sẽ khiến con người lâng lâng tràn đầy cảm hứng, hưng phấn, yêu đời. Ngược lại khi dopamine được giải phóng với mức độ thấp, con người sẽ... giảm nhiệt tình, giảm khả năng tập trung, kể cả... hạn chế điều chỉnh các chuyển động của cơ thể.
Báo chí Ý cho biết: Một nửa số thanh thiếu niên Ý, từ 15-20 tuổi, hiện có tỉ lệ “vọc” dế với mức ít nhất là... 75 lần một ngày.
“Có tới 80% thanh thiếu niên Ý vẫn thường xuyên thức khuya để nhắn tin qua điện thoại - Bà Vittoria Casa, một bộ trưởng trong Đảng M5S, cho biết - Điều đó biến họ thành ‘ma cà rồng’ - những kẻ ‘sống cuộc sống xã hội vào ban đêm, cảm thấy mệt mỏi, yếu đuối và thờ ơ vào ban ngày, khi cuộc sống vị thành niên thật sự của họ nên diễn ra. Hành vi như vậy có tác động tiêu cực đối với cuộc sống cá nhân, trường học và công việc”.
Vì vậy, dự luật đề xuất các chương trình giáo dục cho các bậc cha mẹ phát hiện việc con em mình sử dụng điện thoại di động quá mức, cùng các chương trình phòng ngừa và chăm sóc, các kế hoạch giáo dục hướng tới việc sử dụng Internet và mạng xã hội “một cách có lương tâm” trong các trường học và đại học.
SỢ BỊ MẤT... DẾ, SỢ BỊ... RA RÌA!
Với những ai có hiểu biết về từ gốc Hi Lạp, Nomophobia chỉ có nghĩa là... “nỗi sợ các luật lệ”, hoặc “nỗi sợ luật pháp” vì được ghép trên từ nguyên Nomos (tiếng Hi Lạp, nghĩa là “luật”) và Phobos (cũng tiếng Hi Lạp, nghĩa là “ác cảm” hay “sợ hãi”).
Tuy vậy, thuật ngữ Nomophobia trong dự luật mà Đảng M5S vừa trình dự luật ở Hạ viện Ý lại có ý nghĩa hoàn toàn khác, vì được viết tắt từ cụm từ tiếng Anh “No-Mobile-Phone Phobia”, chỉ chứng ám ảnh sợ mất điện thoại di động.
Nomophobia, theo nghĩa “Sợ luật” là một thuật ngữ xuất hiện ở tận đầu thế kỷ 20 vào năm 1912.
Còn Nomophobia, theo đúng nghĩa “Sợ mất dế” được đặt ra lần đầu tiên trong một nghiên cứu của Bưu điện nước Anh về nỗi ám ảnh bị mất điện thoại di động hồi năm 2008.
Nghiên cứu ấy cho biết gần 53% người dùng điện thoại di động ở Anh có xu hướng lo lắng, bị ám ảnh, hoặc cảm thấy căng thẳng khi “dế hết pin”, hoặc “khi mất mạng” (không có phủ sóng mạng, không thể liên lạc với bạn bè hoặc gia đình), và trên hết là sợ “mất dế”.
Đó là chứng rối loạn lối sống mới nhất của con người ở thế kỷ 21. Vì coi cái môbai là “một phần không thể thiếu” trong cuộc sống, người ta tự rước vô mình nỗi sợ đầy tính ám ảnh, thậm chí cảm thấy tuyệt vọng khi không có thiết bị di động bên người, y như bị mất cái... “chi thứ năm điện tử” vậy.
Nỗi ám ảnh ấy cũng bao gồm luôn sự đau khổ gọi là “ringxiety”, khi không nhận được tí ti liên lạc nào qua cái môbai. Bởi vậy, thậm chí người ta bị thôi thúc ngủ với... môbai, chẳng những không nỡ tắt nó mà còn thường xuyên lắng nghe coi có ai gọi hay nhắn tin cho mình, và cứ thỉnh thoảng mắt nhắm mắt mở liếc qua màn hình môbai để tránh bỏ lỡ bất kỳ thông báo hay tin nhắn nào.
Trong thuật ngữ Nomophobia, phần “Phobia” chỉ hội chứng sợ hay ám ảnh sợ. Theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, ám ảnh sợ là nỗi sợ vô lý, dai dẳng và quá mức, dẫn tới phản ứng vượt quá kiểm soát đối với vật thể hay tình huống gây sợ hãi, hoặc đôi khi đó chỉ đơn giản là... sự suy nghĩ về nó. Trong khi đó, với những người khác, vật thể hay tình huống ấy lại là quá đỗi bình thường, không có gì phải sợ khủng sợ khiếp như thế.
Xét về bản chất, Nomophobia không đơn giản là “Sợ mất dế” - tức nỗi ám ảnh về vật thể, mà chính là dạng ám ảnh về tình huống “Sợ bị ra rìa” (FoMO, viết tắt cụm từ “Fear of Missing Out” trong tiếng Anh, chỉ chứng sợ bị bỏ lỡ mọi thứ mà bạn bè mình đang trải nghiệm qua thiết bị di động).
CHỨNG NGHIỆN LỚN NHẤT CỦA THẾ KỶ 21
Trong danh mục toàn tập các hội chứng phobia, ở mục từ “N” hiện chỉ có hai “em” Nyctophobia (chứng sợ bóng tối) và Necrophobia (chứng sợ mọi thứ liên quan tới cái chết). Chưa có Nomophobia!
Vậy mà thử tìm “Nomophobia” trên mạng, chỉ sau 0,31 giây là Google cho ta biết có hơn 1,5 triệu kết quả!
Điều đó cho thấy thế giới bắt đầu quan tâm ngày càng nhiều hơn tới chứng Nomophobia, chứ không còn dừng lại ở những “ám ảnh công nghệ” về dế hai sim, màn hình tai thỏ, camera kép... mà các nhà sản xuất điện thoại cứ liên tục đua nhau quảng cáo.
Còn bạn thì sao? Kể từ lúc nào bạn đã tự nhận ra mình cũng có hơi... “nghiện” cái môbai? Chẳng hạn, bạn là người có một hoặc nhiều thiết bị di động để truy cập Internet và luôn mang theo... bộ sạc. Bạn giật mình tới cỡ nào khi không tìm ra dế trong balô, túi xách? Bạn có bao giờ phát hoảng khi thấy môbai sắp cạn pin, và chẳng thể nào yên tâm cho tới khi bạn sạc được pin cho nó?
Bạn có thường kiểm tra dế ngay cả trong lúc đang ăn sáng, ăn trưa, ăn tối? Bạn đang hò hẹn với người yêu, vừa nghe người ấy nói, vừa nhìn vô màn hình môbai của mình? Ban đêm, cứ sau mỗi hai giờ là bạn lại thức dậy chỉ để kiểm tra cái môbai?
Bạn có bị thôi thúc (nghĩa là tự mình thúc mình thôi) về chuyện phải ráng trả lời cuộc gọi hay tin nhắn, bất chấp lúc đó bạn đang bận rộn ra sao. Ví dụ đang ngồi học trong lớp, họp ở công ty, thậm chí bận lái xe hay đang ở... trong phòng vệ sinh hoặc trong bồn tắm (kể cả lúc bạn vừa đọc bài này, vừa liếc qua dế của mình đôi ba lần)?
Bạn cảm thấy bứt rứt cỡ nào khi phải ở lâu trong những nơi công cộng hạn chế sử dụng điện thoại di động như trên máy bay, hay nơi bệnh viện, trong rạp hát...?
Tùy theo câu trả lời “Có” ít hay nhiều, bạn đã có thể tự nhận ra mình bị lệ thuộc vô dế cưng của mình, từ mức sơ sơ cho tới mức là... “nô lệ” hẳn hoi của nó rồi.
Một số nhà nghiên cứu đã gọi nỗi ám ảnh Nomophobia (Sợ mất dế) và cả FoMO (Sợ bị ra rìa) là “chứng nghiện - không - phải - ma - túy lớn nhất thế kỷ 21”.
Ngoài chuyện lãng phí quá nhiều thời gian, sức khỏe và tiền bạc, người “nghiện môbai” còn bị sa vào một nghịch lý: thời gian giao tiếp qua các giao diện công nghệ càng tăng (vì áp lực phải liên tục kết nối với các mạng xã hội), số lượng tương tác mặt đối mặt với con người lại càng giảm sút theo chiều ngược lại.
Chuyện tưởng như khôi hài nhưng lại xảy ra phổ biến ở khắp nơi, chẳng hạn ở nước Anh: theo một nghiên cứu được báo Daily Mail trích dẫn, có 60% người được khảo sát đã xác nhận họ chỉ nhắn tin cho bạn ở cùng tòa nhà thay vì đi bộ vài chục mét để gặp gỡ người ấy.
BỊ MẮC KẸT TRONG KHÔNG GIAN ẢO!
Hội chứng “kết nối quá mức” qua điện thoại di động khiến con người bị mắc kẹt trong không gian ảo, làm giảm đáng kể những tương tác xã hội và gia đình của mỗi người. Đặc biệt đáng ngại là những trẻ em sớm mắc chứng Nomophobia: các em thành thạo giao tiếp qua điện thoại, song lại không biết cách đối thoại trực tiếp và gặp khó khăn trong mối quan hệ với gia đình và bạn bè.
Còn nhớ bắt đầu từ năm 2012, nhiều trang web ở khắp các nước đều rộ lên đăng (và chép lại của nhau) một câu nói được gán là phát biểu của nhà bác học Albert Einstein (1879 - 1955). Câu ấy như sau: “Tôi sợ cái ngày mà công nghệ sẽ lấn át sự giao tiếp giữa con người với con người. Thế giới lúc đó sẽ có một thế hệ đần độn”.
Thật ra, câu trên chỉ là trích dẫn lời của... một cậu bé bạch tạng tên Powder, có khả năng cảm nhận được suy nghĩ của người khác - nhân vật hư cấu trong phim khoa học viễn tưởng Powder công chiếu hồi năm 1995.
Tuy chẳng phải là “Einstein đã nói”, nội dung dự báo của nhân vật Powder ấy đúng là quá... chính xác!
Chừng nào cả ông già bà lão ở khắp các xó xỉnh trên thế giới còn cắm mặt suốt ngày vô cái màn hình môbai y hệt đám trẻ, thay vì thăm hỏi tận mặt bạn bè hay đi chơi con cháu, chừng đó chúng ta chớ nên lên án hay thương hại giới trẻ trót “nghiện môbai”. Bởi vấn đề không chỉ là của một thế hệ cụ thể mà là của cả xã hội, ở cả sự rối loạn trong lối sống xã hội lẫn trong nỗi ám ảnh tâm lý của từng người. Của cả bạn và của tôi nữa, than ôi ông Địa!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận