Mỗi lần sử dụng nhà vệ sinh thân thiện với môi trường này, sinh viên sẽ kiếm được 10 Ggool - một dạng tiền ảo, có thể dùng để thanh toán các hóa đơn trong căn-tin trường hoặc thư viện.
Theo đó, người đề xuất sáng kiến này là một giáo sư ngành Kỹ thuật đô thị và môi trường tại Viện Khoa học công nghệ quốc gia (UNIST) - ông Cho Jae Weon. Ông đã vận dụng những kinh nghiệm của mình để giải bài toán về "sản phẩm" sau khi đi vệ sinh của nhiều người, tái sử dụng chất thải để sản xuất khí sinh học và phân bón.
Theo giáo sư Cho Jae Weon, những chất thải này đều hoàn toàn tái sử dụng được vào những việc có ích. Như sáng kiến nhà vệ sinh BeeVi - được ghép từ Bee (con ong) và Vi (Vision - tầm nhìn), một máy bơm chân không sẽ đưa phân vào bể chứa ngầm, hạn chế tối đa việc sử dụng nước.
Tại đó, các vi sinh vật cho vào sẽ làm nhiệm vụ phân hủy chất thải thành khí metan - một loại khí có thể dùng làm chất đốt cho bếp gas, nồi hơi nước nóng...
Ông chia sẻ thêm, một người trung bình sẽ thải 500 gram chất thải mỗi ngày và chuyển hoá thành 50 lít khí metan. Khí này sẽ chuyển hoá thành điện năng, đủ 0,5 kWh cho quãng đường 1,2 km nếu dùng xe điện.
Song song đó, giáo sư còn phát minh ra đồng tiền ảo tên là Ggool (nghĩa là mật ong trong tiếng Hàn). Nhờ sự kết nối giữa nhà vệ sinh và hệ thống tiền ảo này, sinh viên hoàn toàn có thể được trả tiền chỉ để... đi vệ sinh. Đồng tiền này có thể được sử dụng mua hàng hoá trong khuôn viên trường.
Thế nên, đừng nghĩ chất thải chỉ là thứ vô dụng được xả xuống bể chứa, bởi giờ đây nó có thể thành tiền rồi đấy!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận