Bản thân mỗi nhà báo nơi đó phải tác nghiệp độc lập trong điều kiện khắc nghiệt dịch bệnh. anh chia sẻ cùng TTC về tình huống có một không hai trong cuộc đời mình...
Tác nghiệp một mình
TTC: Có vẻ anh đã “gặp may”, khi trở thành nhân vật được mong đợi nhất ở mỗi bản tin thời sự của VTV?
Nhà báo Châu Thái Bình: Tôi không biết đây là “may” hay là “mếu”. Nhưng đó là công việc mà phóng viên phải làm khi được phân công. Điều tôi quan tâm là đưa tin tức nhanh nhất, chính xác, khách quan nhất về tình hình dịch bệnh đến với người dân Việt Nam. Đây là thời điểm tôi và đồng nghiệp gặp rất nhiều áp lực.
Gần ba tháng nay, anh em VTV thường trú tại Bắc Kinh hầu như không gặp nhau, nhà ai nấy ở. Tôi cũng không đặt chân vào Đại sứ quán để thăm bạn bè vì tôi tự cho mình là đối tượng nguy hiểm dễ lây.
Còn anh em thường trú thì rất thương và hỗ trợ nhau. Chúng tôi có group để trao đổi tình hình dịch, hay xử lý thế nào đối với số liệu, khái niệm bệnh, phác đồ điều trị, văcxin... Bởi nó quá mới mẻ nên lúc đầu ngành chức năng Trung Quốc cũng lúng túng và liên tục thay đổi số liệu, khái niệm, tuyên bố rồi bác tuyên bố (ví dụ tỉnh công bố tái nhiễm sau khi xuất viện, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc bác bỏ và sau đó thì công nhận có...).
TTC: Dịch bệnh là một hoàn cảnh đặc biệt, đặc biệt đối với Covid-19, sự lây lan bất thường của nó và những đe dọa chưa biết trước được, với chiếc khẩu trang thường trực, cảm giác của anh khi tác nghiệp một mình?
Nhà báo Châu Thái Bình: Anh em báo chí quốc tế chủ yếu gặp nhau tại các cuộc họp báo của Quốc vụ viện, Bộ Ngoại giao. Và mọi người luôn thực hiện nguyên tắc hạn chế thấp nhất tiếp xúc và nói chuyện. Nhiều lúc gặp nhau trên đường đi tác nghiệp chỉ biết “vẫy ta chào nhau” mà không dám lại gần. Có gì thì alo, chat chít qua mạng xã hội.
Trong mùa dịch đồng nghiệp Trung Quốc cũng nhiệt tình giúp đỡ cung cấp những lưu ý, những chủ trương về cách ly, đi lại và thậm chí sẵn sàng hỗ trợ tư liệu tại vùng tâm dịch Vũ Hán. Vì Vũ Hán là nơi phong tỏa nội bất xuất, ngoại bất nhập nên những hỗ trợ vậy là rất quý.
TTC: Thời dịch bệnh, người Trung Quốc tiếp cận thông tin dịch bệnh bằng cách nào?
Nhà báo Châu Thái Bình: Trung Quốc có hệ thống báo điện tử khá phát triển. Nhiều người lướt mạng xã hội, theo dõi tin tức trên báo online để nắm tình hình dịch bệnh. Mỗi thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải… đều có hệ thống báo online phát triển mạnh, chỉ cần lướt web là mọi tin tức đều có. Trước khi dịch bệnh bộc phát, báo giấy Trung Quốc chủ yếu phục vụ người cao tuổi. Khi dịch bệnh diễn ra những người cao tuổi cũng phải tập quen dần việc lướt tin tức nắm tình hình dịch bệnh qua Internet.
Có thể sống hay chết nhưng không được... bệnh!
TTC: Châu Thái Bình này, hỏi thật, bản thân anh có sợ không?
Nhà báo Châu Thái Bình: Giữ cho mình không bệnh là nhiệm vụ quan trọng hơn cả việc đưa tin tức. Thực tế, chỉ cần bạn ho, sốt là nguy cơ bị cách ly ngay. Bởi ngay tại chung cư bạn ở, đội bảo vệ luôn đo thân nhiệt, rồi đi vào trung tâm thương mại, chợ, siêu thị... nơi nào cũng đo thân nhiệt. Mà lỡ bị cách ly thì ai làm tin bài?
VTV có truyền thống “đón bão, đón dịch” nên tôi cũng không lo lắm, cứ nhiệm vụ mà làm. Dĩ nhiên phải thực hiện nghiêm các khuyến cáo để bảo vệ sức khỏe của mình. Đằng sau tôi là đồng nghiệp, gia đình. Yếu tố làm cho tôi có sức bền bỉ, không sợ hãi có lẽ là do quá bận rộn tin bài. Khi dịch cao trào ở Trung Quốc, mỗi ngày 3-4 tin bài. Bản tin nào, ở VTV cũng ưu tiên tin bài từ tâm dịch Trung Quốc. Ngày nào cũng từ 9h sáng đến 9-10h đêm mới xong. Đó là chưa kể những lần nối cầu trực tiếp với các bản tin sáng. Hình như chính việc quá bận rộn nó làm mình quên luôn lo sợ. Điều quan trọng tôi thấy, trong mọi hoàn cảnh thì mình phải luôn bình tĩnh.
TTC: Lúc ấy người thân có muốn anh trở về Việt Nam ngay không?
Nhà báo Châu Thái Bình: Bạn bè, người thân rất lo lắng cho tôi. Vì nghề của mình là nghề tiếp xúc với nhiều người, nhiều nguồn lây từ chỗ đông người như nhà ga, bến tàu, cao tốc, chợ... Mọi người chỉ biết khuyên mình giữ gìn sức khỏe, cẩn thận, có người thì nói thôi về Việt Nam! Nhưng là một phóng viên thường trú tôi phải bám trụ đến cuối cùng có thể. Chứ thật sự có lúc Đại sứ quán một số nước rút nhân sự khỏi Bắc Kinh, rồi những chuyến bay chở người Việt Nam ở Vũ Hán về nước thì trong lòng cũng có chút xao động. Nhưng rồi nghĩ lại mình đang làm nhiệm vụ. Thông tin chính thức từ vùng dịch cũng góp phần cho quê nhà có thêm cách để ứng phó phù hợp…
Lúc cô đơn nhất, tôi chỉ còn… Facebook!
TTC: Lúc cô đơn nhất, anh làm gì?
Nhà báo Châu Thái Bình: Nếu tôi nói với anh rằng Facebook là liệu pháp tâm lý của tôi thì anh tin không? Đó là sự thật đấy. Gần ba tháng nay, ngoài đi tác nghiệp, tôi chỉ nhốt mình trong nhà để viết bài cũng như là cách phòng dịch. Bởi ở Trung Quốc thời dịch bệnh, người dân nói vui với nhau “Ở nhà, ngồi yên một chỗ là bạn đã tạo phúc cho đời”. Bạn ở nhà lâu, cách ly với thế giới vui chơi bên ngoài, không tiếp xúc với bạn bè, không cà phê cà pháo, không cắt tóc, không ăn hàng quán, không mua sắm... Từ nhà nhìn xuống thì đường sá vắng lặng, lạnh ngắt. Bên này đang mùa đông mà đang mùa dịch thì bạn biết rồi,
nó thảm đến mức nào. Do đó, lên Facebook như là một cách để tôi kết nối với bạn bè, người thân. Cũng là một cách tôi báo với ba mẹ, vợ con và bạn bè tôi vẫn ổn, vẫn đang sống tốt giữa vùng dịch. Đó cũng là cách mình đỡ bị stress, đỡ bị bệnh trầm cảm! Thật sự, tôi như tự cách ly với thế giới vui vẻ bên ngoài nên bạn bè facebooker như là một chỗ dựa tinh thần. Mọi người động viên, an ủi tôi, dặn dò tôi cẩn thận...
Tốc độ viết status trong mùa dịch của tôi cũng ngang ngửa với tốc độ ra bài trên VTV. Tôi hay đùa với mọi người là hãy like đi, vì tôi nghiện like vì tôi chuẩn bị sau này bán hàng online! Thật ra, tôi không có bán online gì cả mà là một cách câu view vui vẻ, câu view để thấy sau lưng mình còn có nhiều người đang rất thương mình, mình không cô đơn giữa cuộc chiến này.
TTC: Điều mong ước lớn nhất của anh bây giờ là gì?
Nhà báo Châu Thái Bình: Tôi đang rơi vào hoàn cảnh không giống ai. Nếu về Việt Nam thì bị cách ly 14 ngày. Nếu quay lại Bắc Kinh thì bị cách ly tiếp 14 ngày. Tôi thuộc dạng “đối tượng nguy hiểm”, mọi người xa lánh mà! Hiện nay đường bay giữa Việt Nam - Trung Quốc bị cắt vì dịch bệnh và không biết bao giờ mới khôi phục. Tôi đang mắc kẹt giữa vùng dịch, tiến thoái lưỡng nan. Giờ Trung Quốc đang ổn dần thì Việt Nam số ca tăng nên chỉ mong dịch sớm qua để mọi chuyện trở về bình thường. Hiện tại vợ con tôi cũng mắc kẹt ở Việt Nam chưa quay sang để nhập học. Trong đời tôi, trải nghiệm này chắc khó có lần thứ hai!
Nghề thời sự nên lúc nào cũng tin nóng, dịch bệnh, mâu thuẫn, bất thường... nhưng tôi luôn mong ước thế giới thái bình như chính tên của tôi - “Thái Bình - phóng viên thường trú Đài THVN tại Trung Quốc”.
Xin cảm ơn anh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận