Bên cạnh mì tôm thì miến cũng là một trong những loại thực phẩm chống ngán mà người Việt vô cùng yêu thích. Đặc biệt, với quan điểm cho rằng miến ít đường, ít calo hơn cơm nên nhiều người thậm chí còn lựa chọn ăn miến mỗi ngày. Tuy nhiên đây chính là một thói quen nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ béo phì, tiểu đường cho người Việt.
Ăn miến trừ cơm gây hại thế nào?
Theo chuyên gia dinh dưỡng Doãn Thị Tường Vi (Viện Dinh dưỡng Lâm sàng): Miến là thực phẩm bổ dưỡng, nhưng ít người biết rằng nó có chỉ số đường huyết và lượng đường cao hơn nhiều thực phẩm khác.
Ví dụ: 100g gạo tẻ có 76,1g đường, chỉ số đường huyết là 83. Trong khi đó, 100g miến lại chứa đến 82,2g đường, chỉ số đường huyết là 95.
Ngoài ra, nếu so cùng một khối lượng thì lượng tinh bột trong miến cũng nhiều hơn so với cơm. Cũng ở loại gạo tẻ, nếu tải lượng đường huyết của 100g gạo tẻ là 63 thì chỉ số này ở 100g miến lên đến 78. Như vậy, miến cung cấp nhiều tinh bột và gây gia tăng đường huyết nhiều hơn so với cơm, tăng nguy cơ béo phì.
Đường huyết tăng cao trong thời gian dài có thể dẫn đến việc hình thành nhiều bệnh nguy hiểm như đột quỵ, mù lòa, suy thận, tiểu đường, hoại tử chi…, thậm chí tử vong. Tuy nhiên, do miến có giá trị dinh dưỡng cao nên bệnh nhân tiểu đường không cần loại bỏ thực phẩm này ra khỏi chế độ dinh dưỡng mà cần hạn chế tiêu thụ ở mức hợp lý để không làm bệnh tình trầm trọng hơn.
Ăn miến như thế nào để đảm bảo sức khỏe?
1. Ăn miến kèm rau
Rau là thực phẩm giàu chất xơ – chất này có thể hòa tan các carbohydrate mà cơ thể hấp thụ, từ đó làm cản trở quá trình chuyển hóa thành thành glucose. Ngoài ra chất xơ cũng là lượng chất cơ thể không thể tiêu hóa, khiến ruột mất nhiều thời gian để tiêu hóa thức ăn, dẫn đến giảm lượng đường mà cơ thể có thể hấp thụ. Như vậy, ăn rau kèm với miến có thể kiểm soát tốc độ và cản trở quá trình hấp thụ đường gây hại cho cơ thể.
2. Nên ăn bao nhiêu miến mỗi tuần
Mỗi tuần chỉ nên ăn 3 – 4 bữa miến với lượng ăn vừa phải để tránh nguy cơ béo phì, tăng đường huyết.
3. Người tiểu đường ăn miến thế nào?
Chuyên gia cho rằng người tiểu đường không cần thiết phải loại bỏ hoàn toàn miến ra khỏi chế độ ăn nhưng cần nhớ cắt giảm khoảng 10% tinh bột so với nhu cầu năng lượng bình thường mà cơ thể cần hấp thụ.
Để chắc chắn về lượng tinh bột cơ thể nên hấp thụ trong mỗi bữa chính, bệnh nhân tiểu đường nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và tuân thủ tuyệt đối theo phương pháp điều trị.
Ngoài ra, sau khi ăn cơm, miến, bún, phở người tiểu đường nên vận động nhẹ nhàng. Dùng thuốc đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ với nguyên tắc dùng đủ liều, đúng liều và duy trì trong thời gian dài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận