● Nhạc phụ bị đột quỵ lúc ngủ. Bác sĩ bảo chừng nào lành lặn, đi khám thử coi có bị chứng ngưng thở lúc ngủ vì bố vợ ngáy như sấm...
A.Thông (TP.HCM)
- Ngưng thở lúc ngủ (OSA) không hổ danh là “sát thủ giấc ngủ”. OSA gây thiếu oxy, không hay cho tim, phổi, thận, tuyến tụy, não... Đêm nào cũng rứa, là đầu đề của loạt bệnh chuyển hóa, huyết áp, nhồi máu não, nhồi máu cơ tim... Y học dành hẳn vài chương cho những cú bật - ngắt nhịp thở, chứng tỏ sự lợi hại của OSA.
● Tôi là sâu ngáy, hành hạ người thương mỗi đêm. Đi khám được cho đo PSG. Dây nhợ tùm lum hơn đo điện tim. Ngáy thì có cần “tới công chuyện” vậy không?
T.Dũng (Đồng Tháp)
- Đo đa ký giấc ngủ (PSG) dùng thăm dò rối loạn giấc ngủ, nhưng vẫn là tiêu chuẩn vàng chẩn đoán OSA. Các cảm biến PSG, trong đêm, ghi tất từ sóng não, động mắt, nhịp tim, kiểu thở, SpO2, cử động chân/ngực/bụng đến độ ồn tiếng ngáy... Phải đo cả cử động, bởi có hẳn một kiểu mất ngủ do khoa tay múa chân. PSG được ví như “ECG” của OSA. Người ta nghi bạn mắc OSA, kéo gỗ chỉ là cớ.
● Chồng tôi bị tiểu đường khó trị, thường xuyên mệt mỏi, ngủ gật. Bác sĩ bảo vào viện ngủ một đêm đo đa ký giấc ngủ. Tiểu đường ăn thua gì ngủ nghê?
B.Thy (TP.HCM)
- OSA, ngoài nguy cơ đột quỵ, đột tử, còn chất chơi khoản sinh đề kháng insulin, tiền thân tiểu đường. Đường huyết bất trị + gà gật buổi sáng, đủ để bác sĩ nghi ngờ OSA đứng đằng sau.
● Con trai tôi mắc tật cằm lẹm, ngủ ngáy và kèm ngưng thở lúc ngủ. Điều trị hoài không xong, bệnh viện khuyên mổ chỉnh hình? Có quá tay không?
H.Tuấn (Tiền Giang)
- Ngoài béo phì, OSA còn có loạt tiền khả thi, liên quan dị tật (vòm hầu thấp, liệt vòm hầu, lưỡi dày/dài, cổ to/ngắn, xương hàm ngắn, cằm lẹm, phì đại cuống mũi...). Dị tật nặng, nội khoa bó tay, phải tất tay dao kéo may ra. Nên rà soát kỹ, dị tật vùng mặt thường đi combo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận