Health Times - một ấn phẩm của People's Daily đã chỉ trích những người phụ nữ, được tờ nhật báo gọi là "sick lady" (tạm dịch: quý cô bệnh tật), nhằm nhắm đến 4 cô gái đăng ảnh mình lên mạng xã hội, dù đang trong bệnh viện nhưng vẫn trang điểm kỹ càng, xinh tươi.
Bài viết cũng cho biết, họ đang mắc các căn bệnh khác nhau như ung thư tuyến giáp, nhân tuyến giáp, ung thư vú hay trầm cảm nhưng hình ảnh đưa lên mạng xã hội lại "tươi như hoa", theo South China Morning Post đưa tin.
Trong bài viết, tác giả đã thông tin rằng, những "quý cô bệnh tật" này đang trong giai đoạn hồi phục và chia sẻ những "mẹo" lấy lại sức khỏe sau phẫu thuật của họ. Đồng thời quảng cáo cho các sản phẩm hỗ trợ như miếng dán liền sẹo.
Bài viết cũng khẳng định, những người phụ nữ này vẫn mặc trang phục bệnh nhân nhưng trang điểm rất kỹ càng và trông ngọt ngào dù đang nằm trên giường bệnh. Một bác sĩ giấu tên được trích dẫn lời, cho biết: Bệnh nhân không được phép trang điểm khi đang nằm viện, thay vào đó chỉ được dùng sữa rửa mặt hoặc xà bông.
Tác giả bài viết quả quyết: "Những người này tuyên bố bị bệnh nặng nhưng vẫn trang điểm trên giường bệnh để thu hút sự chú ý, tăng lượt theo dõi nhằm bán hàng. Đây là sự xúc phạm ngành y và không tôn trọng các bệnh nhân đang mắc bệnh".
Sau khi bài viết được đăng tải vào thứ ba tuần trước, những người phụ nữ được "cho lên dĩa" đã tự nhận đó là mình, và họ khăng khăng chối bỏ các qui chụp mà bài viết đang nhắm đến.
Zhang Jijing (ở Hàng Châu, Trung Quốc) - một trong những cô gái được gọi là "sick lady" - phản pháo: "Tôi không hề bán bất kỳ sản phẩm nào. Đăng video và hình ảnh lên mạng xã hội, tôi chỉ muốn thông báo với gia đình, bạn bè về ca phẫu thuật thành công.
Trong bức ảnh, thậm chí là video tôi chẳng hề trang điểm chút nào. Một người mắc bệnh tuyến giáp đã nhìn thấy vết sẹo trên cổ tôi và hỏi thăm về nó", chia sẻ trong bài đăng trên Weibo.
Zhang cũng tuyên bố cô đã nhờ cậy đến công ty luật để khẳng định chắc chắn về sự xâm phạm của bài báo với các quyền của cô, khi danh tiếng đã bị tổn hại trầm trọng. Cô mong muốn bài viết phải được xóa đi.
Trong khi đó, Amy - một người phụ nữ khác - đã rất bức xúc khi tấm ảnh mình đang đọc sách và đắp mặt nạ lúc còn nằm viện vào 2 năm trước bị sử dụng "chùa", mà không hề có sự xin phép nào. Cô cảm thấy bị bôi nhọ khi bài viết cho rằng mình đang quảng cáo sản phẩm để bán hàng.
"Có gì sai khi đắp mặt nạ trước và sau khi phẫu thuật? Không bác sĩ hay y tá nào cấm điều đó. Tôi thích làm đẹp và chia sẻ những gì tôi thích, nhưng chưa bao giờ bán bất kỳ sản phẩm nào", du học sinh kiêm "quý cô bệnh tật" Amy tức tối.
Còn người phụ nữ thứ ba cho hay, cô đăng bảng xếp hạng bệnh viện đã phẫu thuật ung thư tuyến giáp vào năm ngoái lên Weibo để chia sẻ kinh nghiệm bản thân sau khi phẫu thuật, nhằm giúp đỡ những người đang tìm hiểu trước khi phẫu thuật.
Ở người phụ nữ thứ tư đến từ Quảng Đông, cô cũng đăng báo cáo bệnh viện đã phẫu thuật tuyến giáp cho mình vào tháng 8 vừa qua. Nhưng đổi lại, thay vì người khác được hỗ trợ thì cô lại hứng chịu muôn vàn ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống thường nhật.
Dòng hashtag "Tôi không phải là một phụ nữ bệnh tật" đã thu hút sự chú ý của dư luận khi có đến 110 triệu lượt xem.
Một dân mạng bình luận: "Chỉ vì họ trông xinh đẹp và đăng những bức ảnh tinh tế thì sẽ xứng đáng nhận chỉ trích ư? Tại sao lại tạo ra một thuật ngữ chỉ dùng để xúc phạm phụ nữ? Họ chỉ là những bệnh nhân, không phải 'quý cô bệnh tật' như các vị đưa tin đâu".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận