NHIỆT HUYẾT NHƯ NGỌN NÚI LỬA VÀ... KHÔNG SỢ GIÀ!
● Dường như anh trầm lắng và điềm đạm hơn ngày xưa nhiều, anh có nghĩ mình đang già đi không?
- Tôi vốn là người ít nói và không thích ồn ào. Từ xưa đến nay vẫn vậy, tôi là con người của hành động. Nếu làm việc với tôi, bạn sẽ thấy tôi nhiệt huyết như ngọn núi lửa vậy (cười). Tôi thích chìm vào những suy ngẫm, nghiên cứu, đọc sách, trồng cây, chăm mấy con chó, nấu bữa cơm cho vợ... Đúng là nhìn thì thấy giống ông già nhưng tôi lại thấy mình trẻ hơn khi chọn sự tĩnh lặng đó.
Tôi luôn suy nghĩ rằng một lúc nào đó, sinh lão bệnh tử thì ai cũng như ai nhưng chắc chắn tôi sẽ không già đi. Tôi không sợ mình già đi, tôi chỉ sợ bản thân hết đam mê, nhiệt huyết với cuộc sống và nghệ thuật. Sự điềm đạm có ưu điểm là bạn sẽ luôn sẵn sàng hành động và quan sát được nhiều điều rõ ràng hơn. Nói vui là ngay cả khi tôi 90 tuổi, tôi vẫn tin mình không già và sẵn sàng bước đến một hành trình tiếp theo.
● Trong đời thường của hai vợ chồng anh, nếu xảy ra to tiếng, ai sẽ là người làm lành trước?
- Có thể bạn không tin, tôi chưa bao giờ to tiếng hay nổi nóng với ai, dù tôi là người rất khó tính trong công việc và hành xử. Tôi chỉ nghĩ cuộc sống này đủ nhọc mệt rồi, có chuyện gì đi nữa cũng nên từ từ nói với nhau. Ngay cả sự nghiêm khắc cũng nên ở trạng thái hòa nhã. Tất nhiên tôi không phải thánh nhân mà không làm cho vợ nổi nóng bao giờ (cười), tôi luôn chủ động làm lành.
Tôi nghĩ khi vợ hay người yêu nổi nóng, nếu mình cũng nổi nóng theo thì vết thương sẽ càng vỡ ra. Mình cứ nghĩ cô ấy giận thì chắc cô ấy đang rất đau lòng. Cánh đàn ông cứ hạ cái tôi xuống, ôm chặt lấy vợ (dù có bị cào cấu chút cũng ráng chịu nhé), an ủi và xin lỗi cô ấy dù bạn đúng hay sai. Đối với người dưng cũng nên điềm đạm cư xử chứ đừng nói với người thân. Mình cứ nghĩ trên đời này có ai thương mình hơn vợ/chồng mình không, tự nhiên mình sẽ có cách hành xử đúng.
● Tính cách hòa nhã, điềm đạm của anh có gây khó cho anh khi công việc cần phải tranh cãi để đưa ra giải pháp không?
- Tính cách của tôi rất nghiêm, không giỡn trong công việc với tôi được, nhưng tôi lại có thể chịu được những góp ý, phản biện của mọi người. Ai chỉ ra cho tôi cái sai của mình tôi càng trọng. Tôi biết ơn những ai chỉ cho tôi điều mình chưa đúng. Tôi là người cầu tiến chứ không tham vọng, tôi thích khiêu chiến những giới hạn của bản thân hơn là chăm chăm thắng thua với người khác. Cuối cùng ai cũng cần có cơm để ăn, có việc làm để sống, vậy tranh cãi để cho công việc tốt hơn, bản thân mỗi người tốt hơn chứ không nên làm cho mọi thứ đổ bể.
SAU CON VIRUS HUNG TÀN LÀ NHỮNG BÀI HỌC CHO CON NGƯỜI
● Nhân nhắc đến “chén cơm manh áo”, rất nhiều người, trong đó có cả những nghệ sĩ đang chật vật vì Covid-19. Sự điềm tĩnh của anh có giúp ích gì cho anh trước đại dịch này không?
- Covid-19 có lẽ sẽ đi vào lịch sử thế giới đến mức tôi nghĩ người ta sẽ đặt ra cột mốc kỳ lạ: Thế giới trước Covid-19 và thế giới sau Covid-19. Nhìn ra xung quanh thấy mọi người mất việc làm, bạn bè nghệ sĩ xoay xở bán hàng online, người nghèo lo đến bữa cơm ngày mai mà thắt lòng. Tôi điềm tĩnh với cá nhân mình vì tôi cũng quen với khó khăn, thử thách, nhưng tôi không và có lẽ không bao giờ điềm tĩnh được trước nỗi đau của mọi người xung quanh.
Tôi muốn chia sẻ với mọi người rằng hãy bình tĩnh, ở nhà bên người thân yêu nhất của mình, chia sẻ với nỗi đau chung đang diễn ra, không lan truyền tin giả, không làm lây lan nỗi sợ hãi. Khi đất nước “có chuyện”, người Việt chúng ta nên yêu thương đoàn kết, không nên chia rẽ, nói xấu, tranh luận những điều không giúp ích gì được lúc này. Không có bóng tối mãi mãi, chắc chắn ngày mai tốt đẹp sẽ lại tới nhưng chúng ta phải đủ tình yêu thương và bản lĩnh để đi qua.
Nỗi sợ hãi, nguy cơ, hoang mang suy cho cùng cũng chỉ là một loại cảm giác. Cách chúng ta cảm nhận nguy cơ đó như thế nào sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đời sống cũng như sức mạnh tinh thần - thứ cần thiết để chúng ta đối phó khủng hoảng. Đối với một dịch bệnh mang tính cộng đồng và toàn cầu như Covid-19, ta cần hạn chế những nhu cầu cá nhân, ham vui vị kỷ không cần thiết. Bởi ta là một mắt xích trong thế giới này, cũng là một mắt xích có nguy cơ mang đến sự truyền nhiễm cho mọi người. Chính suy nghĩ virus corona còn ở xa mình, kệ nó đi, đã dẫn tới cảnh nhà nhà đóng cửa, cuộc sống kinh tế bị ảnh hưởng như bây giờ.
● Một người làm nghệ thuật đa cảm như anh sẽ luôn nhìn vấn đề ở con mắt đa cảm phải không? Anh còn có cảm nghĩ gì trong mùa dịch Covid-19 này?
- Tôi buồn vì vẫn thấy có người hả hê khi có ai đó họ ghét, họ cho là kẻ xấu, những người giàu bị bệnh, bị cách ly. Con virus này có phân biệt giàu, nghèo, thiện, ác đâu? Chúng ta đều là nạn nhân của nó, sao còn kỳ thị nói xấu lẫn nhau làm chi? Ông bà mình đã dạy lúc nguy nan thì phải xích lại gần nhau kia mà (mở ngoặc ý nói là tấm lòng, còn khoảng cách vẫn nên xa nhau trên 2m nhé!).
Tôi thấy virus corona vừa hung tàn, đáng sợ vừa ẩn chứa sau nó những triết lý đáng suy ngẫm. Mấy buổi sáng nay, tôi mở cửa đi bộ gần nhà thì phát hiện nắng rất trong và lâu lắm rồi tôi mới hít thở không khí trong lành tại Sài Gòn. Tôi tìm kiếm một vài thông tin về sự phục hồi của thiên nhiên, môi trường, đại dương khi con người phải đóng cửa ở nhà và vô cùng bất ngờ. Chỉ cách đây vài tháng, báo còn đưa tin hơn 60% giống loài trên trái đất đã tuyệt chủng vì con người, đại dương sắp hết cá, rừng cháy hàng loạt, tình trạng ô nhiễm tại các đô thị nặng nề...
Dường như có một quy luật vô hình nào đó đang bắt nhân loại phải dừng lại, để mẹ trái đất phục hồi. Nếu nhìn tích cực hơn, tôi thấy những gia đình có dịp ăn cơm nhà với nhau nhiều hơn, người ta quan tâm đến bạn bè, người thân lúc này có an toàn, có đủ tiền sống không... Sau đại dịch này, ắt hẳn có rất nhiều bộ phim, tiểu thuyết, ca khúc được sáng tác từ nó.
Tôi chỉ sợ đến lúc nào đó chúng ta không còn theo dõi, đếm số người dương tính mỗi ngày nữa mà chuyển qua nhìn xem còn gì để ăn không. Tôi luôn cầu nguyện để ngày đó sẽ không bao giờ xảy ra...
● Vậy theo anh, Covid-19 đáng sợ nhất ở điều gì ngoài việc lây lan và làm ảnh hưởng đến nền kinh tế, an sinh xã hội toàn cầu?
- Điều đáng sợ nhất ở Covid-19 là nó hủy hoại nhân tính, tấn công vào đạo đức, tấn công vào nền văn minh con người. Ngay cả những nơi vốn luôn tự mãn là đỉnh cao văn minh như châu Âu, sự kỳ thị sắc tộc da vàng đã bùng nổ đáng sợ. Có lúc mọi người da vàng đeo khẩu trang đều bị coi là mầm bệnh bất chấp họ đến từ đâu. Họ còn bị người bản xứ đánh, xua đuổi không cho lên tàu điện ngầm...
Covid-19 khiến mọi người nhìn nhau e dè, sợ hãi và không tin tưởng lẫn nhau. Người gục ngã trên đường không ai dám lại gần để giúp đỡ vì sợ lây bệnh. Lúc nguy nan, khủng hoảng còn có người nhẫn tâm gom khẩu trang ngoài bãi rác để tái chế bán lại... Đại dịch này đánh thẳng vào sự ngạo mạn, giả dối, sĩ diện hão, bóc trần những bí mật, những điều tệ hại chôn giấu của nhiều người.
Nỗi sợ hãi lúc bình thường có thể giết chết ước mơ, nhưng vào những thời điểm tai ương chung của xã hội, nếu chúng ta không kiểm soát được nỗi sợ, chúng ta sẽ bị đẩy về hướng ích kỷ, tàn bạo.
Nhưng tôi tin đó là thử thách con người phải vượt qua, để sửa sai, để hàn gắn lại thế giới này tốt đẹp hơn. Ngay lúc này, tôi và bạn đang có cơ hội suy ngẫm để tái khởi động chính cuộc đời mình ở một giai đoạn mới: Thời kỳ thế giới sau Covid-19. Tôi tin mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp và chúng ta sẽ lại cười với nhau vào một ngày nắng ấm.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh! ■
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận