Điều đó tạo nên một khung cảnh kỳ lạ bên trong sân vận động: một góc của khán đài dành cho phụ nữ thì chật kín sức chứa, trong khi gần như toàn bộ phần còn lại của đấu trường 78.000 chỗ ngồi vẫn còn trống.
Phụ nữ Iran cả gan đeo… râu giả đi coi đá banh
Một phụ nữ cải trang, đeo râu giả đi coi bóng đá - báo Khabar Varzeshi.
Trước kia ở Iran, phụ nữ vẫn được phép tham dự các sự kiện thể thao của nam giới. Tuy vậy, sau cuộc cách mạng Hồi giáo, từ năm 1981, họ lại bị cấm, và sẽ bị trừng phạt nếu dám bén mảng vô các nơi diễn ra những sự kiện ấy.
Năm 2014, cô Ghoncheh Ghavami - một nhà hoạt động người Anh gốc Iran - đã bị giam giữ sau khi cố gắng vào coi một trận đấu bóng chuyền nam ở Iran. Tháng 3-2018, có 35 phụ nữ bị giam giữ vì cố gắng vô xem một trận bóng đá nam.
Tuy vậy, các môn thể thao nam, đặc biệt là môn bóng đá, vẫn luôn có sức cuốn hút rất mạnh mẽ với chị em phụ nữ Iran. Vì vậy, ngày càng có không ít cô gái dám đeo râu giả và cải trang thành đàn ông để có thể đàng hoàng vô sân vận động coi những trận đấu của các câu lạc bộ bóng đá mà họ yêu thích. Thậm chí, có những cô còn dám khoe, và cho chụp hình họ đeo râu giả ngồi giữa sân vận động toàn đàn ông, dĩ nhiên là không dám tiết lộ họ tên thật của mình.
Trang tin BBC Monitoring Iran, ngày 1-5-2018, cho biết: một cô gái Iran đã khoe rằng đây là lần thứ ba nàng ta dùng “mánh khóe” để vô được sân vận động mà coi đá banh, mỗi lần nàng lẻn vào thì lại sử dụng một cách ngụy trang và trang điểm khác nhau.
“Tôi tìm trên Google để kiếm những cách hướng dẫn hóa trang khác nhau, rồi áp dụng cách phù hợp nhất để có thể tới sân vận động” - nàng ta kể.
Lần ấy, nàng mang một bộ râu giả “xum xuê” để cải trang thành đàn ông, vô coi trận đấu giữa đội Persepolis “câu lạc bộ ruột rà” của nàng, với đối thủ Sepidrood, ở sân vận động Azadi, thủ đô Tehran, hôm thứ sáu tuần trước đó.
Nàng cho biết đã bị an ninh chặn lại chỉ một lần. Và nàng khuyến khích những phụ nữ khác liên lạc với nàng, vì nàng sẵn sàng “đào tạo” họ về… kỹ thuật cải trang.
Một cô gái khác, được báo thể thao Khabar Varzeshi Iran hỏi làm cách nào cô tránh được nhân viên bảo vệ. Cô nói: “Chúng tôi đã đi qua cổng thứ nhất và thứ hai nhờ đi trong một nhóm. Nhưng khi chúng tôi ngồi trên khán đài, mọi người đều nhận ra. Họ tới và chụp ảnh selfie với chúng tôi, khen ngợi chúng tôi đã dám vô đó. Một điều thú vị khác là tất cả những người biết chúng tôi là phụ nữ cũng đã không hét lên bất cứ điều gì thô lỗ trong suốt trận đấu”.
Khi được hỏi liệu có đáng để mạo hiểm như vậy không, cô trả lời: “Tất nhiên, tại sao không? Mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục cho tới khi họ cho phép tất cả phụ nữ đi coi bóng đá. Chúng tôi đang làm điều này để nói với chính quyền rằng nếu họ không cho chúng tôi vào, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục, dù có hoặc không có đeo râu giả”.
Những bức hình phụ nữ Iran cải trang đi coi bóng đá đã bắt đầu được chia sẻ trên nhiều tài khoản truyền thông xã hội cá nhân của phụ nữ. Hầu hết các phản hồi họ nhận được đều cổ vũ họ, chẳng hạn: “Tốt lắm, bạn ơi. Điều đó cho thấy bạn có bản lĩnh như vậy”.
Nhưng không phải ai cũng vui. “Tại sao bạn không đi xem trận đấu của phụ nữ? Tại sao bạn phải đến sân vận động nam?” - một người khác chất vấn.
Khi được hỏi liệu có từng sợ bị bắt giam không, nàng đáp: “Tại sao tôi phải sợ? Phụ nữ chúng tôi không phạm tội gì khi tới sân vận động. Luật pháp không định nghĩa sự hiện diện của phụ nữ tại sân vận động là tội ác mà”.
Mặc dù lệnh cấm phụ nữ đi coi thể thao nam ở chốn công cộng không được viết thành luật, nhưng điều đó lại được “thực thi một cách tàn nhẫn”, theo Tổ chức Theo dõi nhân quyền.
Những người cứng rắn và các giáo sĩ Shiite truyền thống đã trích dẫn cách giải thích riêng của họ về luật Hồi giáo, tin vào việc phân biệt nam nữ trong các sự kiện công cộng, cũng như giữ cho phụ nữ tránh xa những môn thể thao của đàn ông.
“Cô gái xanh” của Iran chết sau khi tự thiêu
Lệnh cấm phụ nữ ở Iran đến sân vận động để theo dõi các sự kiện thể thao nam đã tạm thời được dỡ bỏ vào năm ngoái, để cho phép phụ nữ xem World Cup 2018 được phát trực tiếp tại một sân vận động ở Tehran.
Ngày 10-9 năm nay, BBC đã đăng tin về một vụ tự thiêu gây chấn động dư luận Iran, và cả Liên đoàn Bóng đá quốc tế (FIFA), dẫn tới việc lan truyền trên khắp thế giới làn sóng sử dụng hashtag “cô gái xanh” (#BlueGirl).
Cô gái ấy tên Sahar Khodayari, 29 tuổi, đã bị bắt vào tháng 3 năm nay, lúc cô cố gắng cải trang thành đàn ông để vô sân vận động bóng đá Azadi, ở Tehran, coi trận đấu của Câu lạc bộ Esteghlal (Iran) với Câu lạc bộ Al-Ain (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất).
Sau khi bị bỏ tù bốn ngày ở Qarchak, cô được tại ngoại. Vài tháng sau, vào ngày 3-9, Sara Khodayari tới tòa án ở Tehran để lấy lại điện thoại di động của cô, vốn đã bị tịch thu trong thời gian cô bị giam giữ. Có người nói với cô rằng thẩm phán đã kết án cô sáu tháng tù. Cô yêu cầu được nói chuyện với thẩm phán, nhưng được cho biết người thẩm phán liên quan lại “bận việc gia đình khẩn cấp”, không có mặt ở tòa.
Sau đó, cô ra ngoài và tự thiêu ngay trước tòa án. Sahar Khodayari đã chết trong Bệnh viện Motahari lúc 4 giờ sáng thứ hai 9-9-2019, do bị phỏng cấp độ 3 trên toàn thân, cùng nhiều tổn hại ở phổi.
Tổ chức Ân xá quốc tế cho biết cái chết của cô cho thấy tác động của “sự khinh miệt kinh khủng đối với quyền phụ nữ” của Iran.
Sự kiện bi thảm đó đã khiến FIFA đặt ra hạn chót là 31-8-2019 để Iran cho phép phụ nữ vào sân vận động.
“Chúng tôi nhận thức được thảm kịch đó, và vô cùng hối hận” - một tuyên bố của FIFA viết - “FIFA gởi lời chia buồn tới gia đình và bạn bè của Sahar và nhắc lại lời kêu gọi của chúng tôi với chính quyền Iran, để đảm bảo tự do và an toàn cho bất kỳ phụ nữ nào tham gia vào cuộc chiến hợp pháp này, nhằm chấm dứt lệnh cấm tới sân vận động cho phụ nữ ở Iran”.
Vụ tự thiêu của “cô gái xanh” đã dẫn tới nhiều cuộc tranh luận ở Iran.
Masoud Shojaei, đội trưởng đội bóng đá nam Iran, đã đăng một bình luận trên tài khoản Instagram cá nhân của anh, rằng lệnh cấm ấy “bắt nguồn từ những suy nghĩ lỗi thời và đáng sợ, mà các thế hệ tương lai không thể hiểu được”.
Và rồi… phụ nữ Iran bắt đầu được đi coi bóng đá!
Iran là quốc gia cuối cùng trên thế giới vẫn cấm phụ nữ đi xem các trận bóng đá nam. Trong khi đó, gần đây Ả Rập Saudi đã bắt đầu cho phép phụ nữ xem các trận bóng đá trong vương quốc.
Cái chết vì tự thiêu của “cô gái xanh” Sahar Khodayari, vì tình yêu của cô với đội bóng đá Esteghlal của Iran, vốn chọn màu xanh da trời là màu sắc thương hiệu, cũng đã gây sốc với các quan chức Iran. Bởi cái chết của cô đã làm dấy lên sự phẫn nộ trên các phương tiện truyền thông xã hội, với nhiều người nổi tiếng, cầu thủ bóng đá, nghệ sĩ, nhà báo và thậm chí cả nghị sĩ đã chia sẻ sự tức giận của họ. Họ sử dụng hashtag #blue_girl để kêu gọi FIFA ra lệnh cấm thi đấu với Liên đoàn Bóng đá Iran, cho tới khi phụ nữ Iran được phép xem các trận đấu của nam giới.
Rốt cuộc, chính quyền Iran đã nhượng bộ bước đầu. Ngày 10-10-2019, họ đã cho phép bán một số vé dánh cho phụ nữ, để các cô các bà có thể vô xem đội bóng đá quốc gia Iran đấu với đội tuyển quốc gia Campuchia trên sân Azadi, trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022.
Sau trận thắng 14-0 trước tuyển Campuchia, đội trưởng Masoud Shojaei của Iran đã cùng các đồng đội tới chào cảm ơn những người phụ nữ đã lần đầu tiên được tới xem và cổ vũ họ, hôm 10-10-2019 - Hình của Abedin Taherkenareh (EPA).
Lần đầu tiên, sau gần bốn chục năm đã trôi qua, phụ nữ được phép mua vé và tham dự một trận bóng đá nam ở Iran. Điều đó tạo nên một khung cảnh kỳ lạ bên trong sân vận động: một góc của khán đài dành cho phụ nữ thì chật kín sức chứa, trong khi gần như toàn bộ phần còn lại của đấu trường 78.000 chỗ ngồi vẫn còn trống, có lẽ vì phe nam tỏ ra hờ hững với trận đấu vòng loại tẻ nhạt ấy.
Tuyển Iran chỉ cần năm phút để mở tỉ số, rồi đã kết thúc với tỉ số 14-0 trước tuyển Campuchia. Một kết thúc đẹp cho một trận bóng lịch sử, làm món quà càng thêm ý nghĩa đối với một sự kiện lịch sử: lần đầu tiên phụ nữ Iran được công khai coi bóng đá nam trên đất nước mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận