Tuy nhiên, nhiều người trẻ lại có nhu cầu thưởng thức nhạc Trịnh theo những cách khác, “phá phách” hơn. Và dự án Ở trọ theo tinh thần đương đại, “ngông” và “liều” của Hà Lê đã cho người nghe một góc nhìn rất mới về nhạc Trịnh.
Người nghe không phải “fan gộc”...
Trước khi album chính thức ra mắt, Hà Lê đã lần lượt “nhá hàng” ba MV là Diễm xưa, Mưa hồng (song ca cùng Bùi Lan Hương) và Biển nhớ với phản hồi của công chúng đã vượt ngoài sức mong đợi. Dĩ nhiên, người nghe ban đầu chủ yếu là giới trẻ, đa số không phải “fan gộc” của nhạc Trịnh, nghe vì tò mò nhiều hơn là kỳ vọng vào một sản phẩm nghiêm túc, được đầu tư bài bản. Nhưng rõ ràng, hầu hết đã có những ấn tượng khá sâu đậm về một “gã đầu trọc” với giọng giả thanh cao vút, ngân nga những giai điệu ma mị của Diễm xưa trên nền nhạc điện tử pha trộn giữa R&B, dream pop và chill-out.
“Không ngờ nhạc Trịnh còn có thể hát được như vậy” - rất nhiều bình luận như thế bên dưới các MV. Với phân khúc khán thính giả trong độ tuổi đôi mươi, những biến tấu như vậy mang đến cho họ nhiều hứng khởi hơn là lối thể hiện trầm lắng của các ca sĩ cựu trào. Có những giá trị dù bất biến nhưng cũng cần thay đổi cho phù hợp thời đại và nhạc Trịnh cũng không ngoại lệ.
Ca sĩ “ngông” và “liều”
Ở Mưa hồng, sự xuất hiện của Bùi Lan Hương được xem là điểm nhấn đặc biệt, bởi cô sở hữu tông giọng trung trầm đầy ma mị, khi ghép cùng những nốt cao chót vót của Hà Lê trong một ca khúc rất giàu hình ảnh, cặp đôi này đã mang đến cho người nghe cảm giác đi chênh vênh giữa đất và trời, như cảm giác của Trịnh Công Sơn lúc ông ngồi trên sườn dốc cỏ Blao ngắm mặt trời lên, trông mây mù xuống...
Với nhiều người, cách tân nhạc Trịnh là hành động... không thể tha thứ. Nhưng cũng không ít người ở thời điểm này, nói lối hát nhạc Trịnh của Khánh Ly, Lệ Thu đã không còn làm họ thấy rung động. Hãy nhớ rằng Tuấn Ngọc, Thái Hiền, Ngọc Lan, Kiều Nga... đã từng hát nhạc Trịnh theo phong cách riêng, Hồng Nhung luôn nỗ lực để không bị lặp lại người đi trước, hay gần đây nhất có Giang Trang đưa nhạc Trịnh vào sự ngẫu hứng của jazz rất hài hòa, hợp lý. Cá biệt, Thanh Lam từng bị chỉ trích rất nặng nề khi hát nhạc Trịnh theo kiểu “điên” và “quái” đặc trưng của cô, nhưng có hề gì. Đã là nghệ sĩ thì phải sáng tạo và nhạc Trịnh cũng không phải tháp ngà để không ai dám làm mới theo cách mình muốn.
Vậy nên, dù nhiều người cho rằng Hà Lê “ngông” và “liều” khi “dám” cách tân nhạc Trịnh, nhưng cá nhân anh lại không nghĩ thế. Nếu chỉ được hát nhạc Trịnh theo kiểu cũ, chàng rapper này dễ bị loại từ “vòng gửi xe”. Nhưng khi Biển nhớ được mở đầu bằng những âm thanh điện tử, tiếng bộ gõ tầng lớp bao quanh tiếng ca sĩ, và tiếng dàn dây chơi hối hả quyện vào tiếng trống, thêm hẳn một đoạn rap ở khúc giữa thì nó đã có một diện mạo mới, dành cho lớp công chúng mới, và chắc chắn là không ít “người cũ” cũng phải ngạc nhiên thích thú.
Cũng như vậy, cái man mác mênh mang của Tuổi đá buồn đã được diễn tả theo một kiểu khác, ngắt câu nhả chữ cũng khác, điểm vào tiếng phách như tiếng mõ buồn của ngôi chùa trên non, có thể làm người nghe tạm quên đi những bản ghi cũ để thả hồn vào một không gian cũng đầy màu sắc liêu trai, nhất là khi dàn dây chơi quá kịch tính trong phần hòa tấu.
“Ở trọ trong không gian đương đại”
Chưa bao giờ nhạc Trịnh tiến xa như thế trên con đường cách tân. Có lẽ vì muốn gửi gắm cái ý “nhạc Trịnh chỉ ở trọ trong không gian đương đại” qua album của mình, nên Hà Lê đã chọn Ở trọ làm ca khúc chủ đề. So với Mưa hồng, Diễm xưa, Biển nhớ hay Tuổi đá buồn, Ở trọ ít quen thuộc hơn; nhưng cũng vì thế lại có sức lôi cuốn hơn, nhất là kiểu phối khí tung tẩy, kiểu hát nhấn nhả như đi chơi, mang đến vẻ tươi mới hoàn toàn cho ca khúc đẹp như một bài đồng dao nhưng cũng đầy tính triết lý này.
Tin rằng Ở trọ sẽ chiếm được thiện cảm của đa số những người tìm nghe nó. Dù rằng có những ca khúc còn hơi đơn điệu như Diễm xưa hay Tuổi đá buồn, khi phần giai điệu chính chưa được “biến báo” đủ nhiều để thực sự gây sửng sốt. Nhưng với một thị trường khá “bảo thủ” về nhạc Trịnh, Ở trọ đã là một sự dũng cảm. Bảy bài, có lẽ hơi ngắn. Nó dừng lại khi mạch cảm xúc chưa ngấm thật sâu, nhất là bài cuối cùng, Huế - Sài Gòn - Hà Nội xem ra có phần lệch tông.
Nhạc Trịnh có thể được “xoay xở” theo mọi cách... Nếu phải chọn ra một ca khúc có chất lượng tốt nhất, thì với người viết đó sẽ là Nhớ mùa thu Hà Nội bởi nó cho thấy một sự cách tân toàn diện, triệt để, một Hà Lê thực sự là Hà Lê. Một bài nhạc rap chuẩn chỉnh, mà giai điệu của Nhớ mùa thu Hà Nội chỉ được dùng làm sample, phần đọc rap rất nuột, ca từ gần gũi, “dễ thương” và có vẻ như đã chạm được vào hồn cốt của Hà Nội thanh bình, chậm rãi, luôn bao dung với tất cả mọi người. Đúng là nhạc Trịnh có thể được “xoay xở” theo mọi cách, không có giới hạn. Vấn đề nằm ở chỗ là có được công chúng đón nhận hay không, thế thôi. |
Dĩ nhiên, lệch tông ở đây là có ý đồ. Lại một cú “nhá hàng” cho dự án sắp ra mắt, dường như vậy. Nhưng xét về mặt chất lượng nghệ thuật thì nó không hề thua kém Nhớ mùa thu Hà Nội. Phần nhạc đệm không hề “đương đại” mà khá cổ điển, nhất là ở đoạn intro. Tiếng trống lai giữa jazz và rock, lối hát mang phong cách reggae của xứ Jamaica rộn ràng, khiến người nghe muốn đu đưa theo điệu nhạc.
Ồ, nhạc Trịnh cách tân hấp dẫn chả thua gì nhạc Trịnh “bản gốc”. Ở trọ nhắm vào lớp người nghe mới, sống trong thời đại mới cùng những âm thanh mới. Nó đã đáp ứng rất tốt mọi tiêu chí của một sản phẩm âm nhạc hiện đại, và đang chờ đợi những phản hồi công bằng, khách quan từ công chúng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận