Ở Hàn Quốc, “phụ nữ” và “nữ quyền” là 2 trong số từ khóa phổ biến có ý nghĩa kích động thù địch trên mạng, theo Ủy ban Nhân quyền quốc gia của nước này.
Tại Seoul, một nhóm thanh niên trẻ mặc đồ đen hô vang "Thud! Thud!" nhắm vào nhóm biểu tình để bắt chước tiếng ồn mà những người hoạt động nữ quyền đã tạo ra. Họ hét lên: "Nữ quyền là căn bệnh tâm thần".
Những cuộc biểu tình trên đường phố như trên dễ bị coi là phản ứng cực đoạn của một nhóm nhỏ. Thế nhưng, khi sự việc được đưa lên mạng xã hội đã thổi bùng thành một vấn đề lớn, thu hút sự chú ý của không ít người.
Những thanh niên này đã nhắm vào bất cứ điều gì liên quan đến nữ quyền. Thậm chí, họ còn buộc một trường đại học phải hủy bài giảng của một phụ nữ mà họ cáo buộc đã "truyền bá hành vi sai trái".
An San - một vận động viên từng giành 3 huy chương vàng ở Thế vận hội Tokyo, chỉ vì mái tóc ngắn của cô, đã nhận không ít phỉ báng, chỉ trích. Nhiều anh chàng đe dọa tẩy chay các doanh nghiệp sử dụng logo, quảng cáo hình ảnh có ngón tay - mà họ cho là chế nhạo "kích thước bộ phận sinh dục nam".
Ngày càng nhiều đàn ông trẻ càng "giận dữ" khi cho rằng những ai đang theo đuổi nữ quyền là phá hoại cơ hội của họ. Điều này khiến tình hình bất bình đẳng mỗi lúc một trở nên trầm trọng và vô cùng tế nhị tại Hàn Quốc, một quốc gia có nhiều bất ổn khi giá nhà đất tăng cao, thiếu việc làm và chênh lệch thu nhập ngày càng có khoảng cách lớn.
Bae In-kyu, 31 tuổi, người đứng đầu nhóm chống nữ quyền Man on solidarity cho biết: "Chúng tôi không ghét phụ nữ và cũng không phản đối việc nâng cao quyền của họ. Nhưng những người ủng hộ nữ quyền là một dạng tệ nạn xã hội".
Nhóm dẫn đầu các cuộc biểu tình đường phố và điều hành một kênh YouTube với 450.000 người đăng ký. Đối với từng thành viên của nhóm, những người ủng hộ nữ quyền là người ghét bình đẳng. Theo đó, phương châm của nhóm là: "Cho đến ngày tất cả những người ủng hộ nữ quyền bị tiêu diệt".
Phản ứng cực đoan này nhằm chống lại chủ nghĩa nữ quyền ở Hàn Quốc có thể gây hoang mang.
Tại đất nước củ sâm, khoảng cách về lương theo giới hiện đang có mức chênh lệch cao nhất trong số các quốc gia giàu có. Dưới 1% các nhà lập pháp ở nước này là phụ nữ, cũng như chiếm chỉ 5,2% thành viên hội đồng quản trị doanh nghiệp niêm yết công khai, so với 28% ở Mỹ.
Nhiều thanh niên ở Hàn Quốc còn cho rằng, chính nam giới thay vì là phụ nữ mới cảm thấy bị đe dọa và gạt ra ngoài xã hội. Trong số những đàn ông ở độ tuổi 20, gần 79% người từng xác nhận họ là nạn nhân của sự phân biệt giới tính nghiêm trọng, theo một cuộc thăm dò hồi tháng 5.
Kim Ju-hee, 26 tuổi, một y tá, đồng thời cũng là người đã tổ chức các cuộc biểu tình lên án những người chống nữ quyền, đưa ra nhận định: "Có một nền văn hóa coi thường nữ quyền trong cộng đồng trực tuyến, chủ yếu lại là nam giới. Họ miêu tả các nhà nữ quyền là những kẻ xấu xa, cực đoan và gieo rắc nỗi sợ hãi cho các nhà nữ quyền".
Phản ứng dữ dội này còn thể hiện sự khác biệt so với thế hệ trước. Nhiều đàn ông Hàn Quốc lớn tuổi thừa nhận nền văn hóa của họ đã từng đặt phụ nữ "ra ngoài lề xã hội".
Nhiều thập kỷ trước, người dân nước này thiếu thốn mọi thứ, từ lương thực đến tiền mặt. Con trai trong nhà có nhiều khả năng được học đại học hơn. Chưa kể, phụ nữ không được phép ăn cùng bàn với nam giới và phá thai do lựa chọn giới tính, ở một số gia đình.
Khi đất nước ngày càng phát triển, những lệ cũ đã trở thành ký ức xa vời. Nhiều gia đình giờ đây đã yêu chiều con gái họ hơn. Phụ nữ cũng được đi đại học với tỉ lệ cao chẳng kém gì nam giới. Đặc biệt, họ có nhiều cơ hội trong các cơ sở hành chính hoặc những vị trí được trọng vọng.
Oh Jae-ho, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Gyeonggi (Hàn Quốc) cho biết: “Đàn ông ở độ tuổi 20 vô cùng bất mãn, tự coi mình là nạn nhân của nạn phân biệt đối xử ngược lại, tức giận vì bản thân phải trả giá cho sự phân biệt đối xử về giới tính ở các thế hệ trước”.
Nếu những người đàn ông lớn tuổi coi phụ nữ là cần được bảo vệ thì đàn ông trẻ tuổi lại coi họ là những đối thủ cạnh tranh trong một thị trường việc làm khốc liệt.
Những người chống nữ quyền cũng cho rằng, nam giới bất lợi hơn phụ nữ ở Hàn Quốc, vì sự nghiệp của họ có thể bị trì hoãn bởi việc hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Nam rapper San E từng viết trong Feminist ra mắt năm 2018 rằng: "Nhiều hơn những gì bạn muốn? Chúng tôi đã dành cho bạn không gian riêng trên tàu điện ngầm, xe bus và bãi đỗ xe", hay "Ôi các cô gái không cần hoàng tử! Hãy trả một nửa căn nhà khi chúng ta kết hôn".
Trong khi đó, những người ủng hộ quyền phụ nữ rất e ngại sự trỗi dậy của chủ nghĩa chống nữ quyền. Những tiến bộ rất khó để có thể giành được trước đây đứng trước "bờ vực" bị phá vỡ. Trong những thập kỷ gần đây, họ đã đấu tranh để hợp pháp hóa phá thai và đạt được những bước tiến trong chiến dịch #MeToo, vốn rất đình đám ở châu Á.
Lee Hyo-lin, 29 tuổi, nói rằng "nữ quyền" đã trở thành một từ ngữ xấu xí ở một số phương diện. Khi còn là thành viên của một nhóm nhạc K-pop, cô từng nhận khá nhiều nhận xét về cơ thể, chế giễu khi bị tăng cân. Cô cho rằng, bản thân muốn lên tiếng nhưng bị khá nhiều chống nữ quyền yêu cầu "im lặng".
Tuy nhiên, Son Sol-bin - một người bán nội thất đã qua sử dụng rất bất bình khi nhắc về việc từng bị bạn gái cũ cáo buộc tội hiếp dâm và bắt cóc vào năm 2018. Anh đã bị hàng loạt cư dân mạng "ném đá", kêu gọi "thiến sinh học", dù lời buộc tội không đúng sự thật. Anh trần tình, nữ quyền đã giúp phụ nữ được thiên vị hơn, "chỉ cần một giọt nước mắt của cô ấy" là đủ bằng chứng để đưa người đàn ông vào tù.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận