Táo bón là tình trạng khó khăn khi đi tiêu, tiêu không thường xuyên, thường kéo dài nhiều ngày không kèm theo bất cứ dấu hiệu bệnh tật nào khác. Táo bón có thể do nhiều nguyên nhân: do mất nước, thiếu chất xơ, ít vận động hay tác dụng phụ của thuốc.
Tuy nhiên, nguyên nhân phổ biến nhất là do tình trạng thiếu chất xơ. Không chỉ một mà đôi khi sự kết hợp của một số loại thực phẩm cũng khiến cho hệ tiêu hóa hoạt động kém hơn.
Thực phẩm chế biến sẵn, các món chiên xào
Thức ăn nhanh chưa bao giờ được đánh giá cao về lợi ích sức khỏe. Nó cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến chứng táo bón.
Lý do là bởi thực phẩm đã qua chế biến có xu hướng chứa nhiều chất béo và ít chất xơ. Đây chính là một sự kết hợp gây khó chịu cho ruột kết và thường có thể làm chậm nhu động, giảm tốc độ di chuyển thức ăn qua đường tiêu hóa.
Hơn nữa, thức ăn chiên rán và thức ăn nhanh thường chứa một lượng lớn muối, có thể làm giảm hàm lượng nước trong phân, làm phân khô và khó đẩy qua cơ thể hơn.
Khi bạn ăn quá nhiều muối, vì cơ thể hút nước từ ruột để bù đắp lượng muối bổ sung trong máu và dẫn đến táo bón.
Các loại thịt đỏ
Theo các chuyên gia y tế, thịt không có tác hại gây táo bón mà chính bởi do cách một người tiêu thụ lượng thịt quá nhiều mới gây nên tình trạng này. Thịt chứa nhiều chất béo, lượng chất béo này sẽ di chuyển rất chậm trong ruột nếu không có sự tác động đủ của chất xơ. Do đó, theo thời gian sẽ tích tụ chất thải trong ruột gây nên tình trạng táo bón.
Đặc biệt, thịt đỏ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng táo bón vì ba lý do chính.
Đầu tiên, nó chứa ít chất xơ, làm tăng khối lượng phân và giảm tốc độ chúng di chuyển.
Thứ hai, thịt đỏ cũng có thể gián tiếp làm giảm tổng lượng chất xơ hàng ngày của một người bằng cách thay thế các lựa chọn chất xơ cao hơn trong chế độ ăn uống. Điều này đặc biệt đúng đối với người thích ăn thịt, vì họ thường tập trung vào món yêu thích mà bỏ qua món ăn rau giàu chất xơ, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt.
Thứ ba, không giống như các loại thịt khác, chẳng hạn như thịt gia cầm và cá, thịt đỏ thường chứa lượng chất béo cao hơn và thực phẩm giàu chất béo sẽ mất nhiều thời gian hơn để cơ thể tiêu hóa. Trong một số trường hợp, điều này có thể làm tăng tình trạng bị táo bón hơn nữa.
Ăn kiêng
Bất kỳ chế độ ăn kiêng nào cũng có nguyên tắc đầu tiên là giảm đáng kể lượng thức ăn nạp vào cơ thể. Điều này cũng sẽ gây tình trạng táo bón, cho dù chế độ ăn kiêng đó có đủ dinh dưỡng.
Lý do là bởi dạ dày cần giãn ra đủ khi ăn để gây ra phản xạ dạ dày. Nếu chúng ta ăn kiêng, giảm thực phẩm nạp vào thì dạ dày không đủ giãn, phản xạ sẽ không xảy ra, gây ảnh hưởng chung đến hoạt động của cả hệ tiêu hóa.
Theo các chuyên gia, trong trường hợp này nên bổ sung nhiều hơn chất xơ để hỗ trợ hoạt động của đại tràng, giúp giảm chứng táo bón.
Tác dụng phụ của thuốc men
Một số loại thuốc trị chứng dị ứng, thiếu máu, trào ngược, buồn nôn, huyết áp, rối loạn tâm thần hoặc giảm đau có tác dụng phụ là gây tình trạng táo bón. Trong trường hợp phải dùng các loại thuốc này nhiều ngày, hãy tìm sự tư vấn của bác sĩ để có phương pháp điều trị tốt nhất nhưng vẫn đảm bảo được hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru.
Rượu
Nếu chúng ta uống rượu với một lượng lớn, nó có thể làm tăng lượng chất lỏng bị mất qua nước tiểu, gây mất nước. Hydrat hóa kém, do không uống đủ nước hoặc mất quá nhiều nước qua nước tiểu, thường có liên quan đến việc tăng nguy cơ táo bón.
Không ít người thường bị tiêu chảy, đầy hơi khó chịu, hoặc táo bón, sau một đêm uống rượu.
Trong trường hợp này, cách giải quyết đơn giản nhất là uống nhiều nước và đi bộ nhẹ nhàng để hỗ trợ tiêu hóa.
Thực phẩm chứa gluten
Gluten là một loại protein được tìm thấy trong các loại ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen.... Một số người có thể bị táo bón khi họ ăn thực phẩm có chứa gluten.
Một số người không dung nạp gluten hoặc bệnh celiac khi tiêu thụ thực phẩm chứa gluten, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công đường ruột, gây phản ứng xấu với hệ tiêu hóa.
Theo Health, uớc tính có khoảng 0,5-1% người không thể dung nạp gluten hoặc mắc bệnh celiac và táo bón mãn tính là một trong những triệu chứng phổ biến.
Ngũ cốc đã qua chế biến
Ngũ cốc đã qua chế biến và các sản phẩm của chúng, chẳng hạn như bánh mì trắng, gạo trắng và mì ống trắng, có ít chất xơ hơn và có thể gây táo bón hơn ngũ cốc nguyên hạt.
Đó là do phần cám và mầm của hạt thường bị mất trong quá trình chế biến. Đặc biệt, cám có chứa chất xơ, một chất dinh dưỡng bổ sung cho hoạt động của ruột và giúp phân di chuyển.
Do đó, những người bị táo bón nên giảm dần lượng ngũ cốc đã qua chế biến và thay thế bằng ngũ cốc nguyên hạt.
Quả hồng
Quả hồng là một loại trái cây phổ biến ở Đông Nam Á có thể gây táo bón. Hồng có nhiều loại khác nhau, nhưng hầu hết có chứa một lượng lớn tannin, một hợp chất được cho là có tác dụng giảm tiết dịch ruột và co bóp, làm chậm nhu động ruột.
Vì lý do này, những người bị táo bón nên tránh tiêu thụ quá nhiều quả hồng, đặc biệt là các loại quả hồng giòn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận