Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng đau đầu trong một thời gian dài dễ làm tăng nguy cơ trầm cảm, rối loạn trí nhớ, thiếu sự tập trung trong công việc và đời sống. Nếu tình trạng trên càng nặng thì nguy cơ như đột quỵ não, sa sút trí tuệ, tàn tật và thậm chí tử vong có thể xảy ra. Các loại đau đầu trên 3 tháng sẽ có những thay đổi về cấu trúc và làm tổn thương thần kinh và não.
1. Dán mắt vào màn hình
Theo LifeSavvy, ngồi làm việc cả ngày trên máy tính, mắt dán vào màn hình điện thoại và máy tính quá lâu khiến cho các cơ mắt hoạt động quá mức. Sự căng cơ này dẫn tới đau đầu hoặc đau nửa đầu. Ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại và máy tính cũng là nguyên nhân gây đau nửa đầu.
Cách tốt nhất là giảm thời gian dán mắt vào màn hình máy tính và điện thoại. Đừng xem điện thoại ngay khi mở mắt dậy vào buổi sáng. Hãy nhớ nghỉ giải lao và làm bất cứ điều gì không liên quan đến máy tính và điện thoại, chẳng hạn như nấu ăn, tập thể dục hoặc đi bộ trong nhà.
Theo BU Today, làm việc trên máy tính trong hơn 40 giờ/tuần có thể dẫn đến đau lưng, vai và cổ. Chúng ta cũng nên nhớ qui tắc 20-20-20 để giúp giảm nguy cơ phát sinh các bệnh về mắt. Qui tắc chỉ rõ sau 20 phút làm việc với máy tính hoặc xem điện thoại, cố gắng để mắt nghỉ ngơi trong 20 giây và nhìn tập trung vào 1 vật cách khoảng 20 feet (tương đương 6 mét).
Những người đeo kính nên chọn tròng có thể ngăn chặn tia ánh sáng xanh từ màn hình để giúp bảo vệ đôi mắt.
2. Tư thế sai
Theo LifeSavvy, tư thế chúng ta hay ngồi làm việc ở nhà là ngồi chân xếp bằng trên ghế sofa, đặt máy tính lên đùi, cúi gằm mặt vào màn hình máy tính. Hoặc màn hình máy tính đặt thấp, và đầu buộc phải cúi khoằm hướng về màn hình máy tính. Những tư thế làm việc này không đúng, tăng nguy cơ đau đầu vì chúng tạo áp lực lên cổ và vai, dẫn đến giảm lượng ôxy đến não và gây đau vai cũng như cổ.
Vì vậy, rất quan trọng chú ý đến tư thế ngồi làm việc. Tư thế đúng giúp hạn chế đau vai, cổ và đầu. Đầu tiên hãy tránh xa ghế sofa khi ngồi làm việc. Chúng ta nên mua một bộ bàn ghế phù hợp để ở nhà. Khi chúng ta ngồi vào bàn ghế làm việc như trên công ty thì cột sống chúng ta cũng hạn chế bị đau.
Kế tiếp chúng ta nên để ý đến thời gian nghỉ giải lao, đứng dậy đi vòng vòng trong nhà, và tập vài động tác kéo căng cơ. Điều này giúp chúng ta cảm thấy thoải mái hơn và máu lưu thông tốt hơn.
Performance Therapies hướng dẫn đầu được đặt cách màn hình khoảng 1 sải tay. Giữ bàn phím và chuột gần nhau. Sau khi ngồi khoảng 1 giờ, hãy đứng dậy 1 lần và nghỉ ngơi khoảng 10 phút.
3. Thiếu ngủ
Nhiều người có thể làm việc ở nhà đến khuya, dẫn đến thiếu ngủ. Hoặc căng thẳng từ công việc cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nhiều nghiên cứu cho thấy thiếu ngủ dễ dẫn đến đau đầu.
Theo Everyday Health, đối với nhiều người, dịch bệnh COVID-19 đã thay đổi thời gian biểu, thói quen ngủ và ăn uống. Khi chúng ta làm việc ở nhà, chúng ta tự cho phép đi ngủ và thức dậy một cách tùy tiện. Chính sự thay đổi này đã gây nên tình trạng thiếu ngủ hoặc ngủ quá nhiều, tăng nguy cơ đau đầu.
Ngoài ra, những thay đổi trong thời gian biểu ăn uống và lượng café uống vào cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến giấc ngủ. Tốt nhất chúng ta nên duy trì thói quen đi ngủ trước 10 giờ tối để có thể dậy sớm được vào buổi sáng. Hoặc chúng ta tập đi ngủ và thức dậy đúng giờ mỗi ngày. Nếu uống cafe, chúng ta cố giữ lượng cafe uống vào mỗi ngày giống nhau để không ảnh hưởng đến giấc ngủ vào buổi tối. Hãy ăn uống điều độ, đúng giờ và uống nhiều nước mỗi ngày.
4. Tình trạng mất nước
Nhiều người uống ít nước hơn và thậm chí cả ngày không uống nước khi làm việc ở nhà, là do mải mê làm việc và quên luôn uống nước.
Theo Medical News Today, khi cơ thể rơi vào tình trạng mất nước nặng, não có thể tạm thời mất nước theo, co lại và kéo ra khỏi hộp sọ, gây đau. Một khi cơ thể được bù đủ nước thì não trở về trạng thái bình thường và giảm đau đầu.
Theo Lifesavvy, trong khi chúng ta làm việc ở nhà, chúng ta nên để ly nước hoặc bình nước trên bàn làm việc hoặc gần chỗ ngồi làm việc. Chúng ta có thể hẹn giờ trên điện thoại để nhắc uống nước. Trà thảo dược hoặc nước ép cũng là lựa chọn tuyệt vời cho chúng ta uống. Cafe, nước uống tăng năng lượng chứa caffein, nước ép nhiều đường, sinh tố làm cơ thể mất nước thêm và đau đầu hơn.
5. Chất lượng không khí
Đau đầu có thể do ảnh hưởng bởi chất lượng không khí trong nhà. Ô nhiễm không khí trong nhà là do khí thải từ bếp, lò nướng, lò sưởi, sản phẩm lau sạch nhà cửa, thuốc lá và các hóa chất khác.
Chúng ta nên mở cửa sổ để thoáng khí trong nhà và cung cấp thêm ôxy cho cơ thể. Tuy nhiên, phụ thuộc vào nơi chúng ta sống, không khí bên ngoài có thể ảnh hưởng đến không khí bên trong nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận