● Người nhà tôi mắc bệnh nền tiểu đường, cao huyết áp... thì có được tiêm ngừa COVID-19 không?
- Mọi bệnh trạng cần được khai báo sàng lọc, nhưng tựu trung không có khái niệm “bệnh nền” với vaccine. Hầu hết người có bệnh lý đều được tiêm. Một số “bệnh nền” cần sàng lọc kỹ một chút như người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai/cho con bú, từng nhiễm SARS-CoV-2, xuất huyết/bầm tím, rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc trị đông máu, nhất là liên quan tác dụng phụ của một số vaccine COVID-19.
● Luôn nghe dặn không được tiêm “nếu có dị ứng, phản vệ với bất kỳ thành phần nào của thuốc”. Dân tình biết mô tê gì trong vaccine mà tránh?
Thành phần vaccine COVID-19 tương tự các vaccine khác (protein, lipid, đường, polysorbate, polyethylene...). Một số còn cam đoan không đụng tới trứng, gelatin, latex/những chất thành phần hay nọ kia của vaccine. Cẩn thận người ta còn chào hàng không có mô thai, yếu tố về lợn dành cho kiêng cữ đạo đức, tín ngưỡng. Tham khảo nguyên liệu của vaccine Pfizer (mRNA, lipids -polyethylene glycol/DSPC/cholesterol..., KaCL, monobasicpotasium phosphate, NaCl, dibasic sodium phosphate dihydrate, sucrose ...).
● Những khai báo sức khỏe nào cần trình bày trước tiêm chủng?
Cho biết tình trạng sức khỏe, dù bé như kim, rất quan trọng cho một cuộc tiêm “thượng lộ bình an” . Nên thực hiện trước vài ngày, tránh cập rập, bỏ sót.
Nội dung trình báo gồm tình trạng hiện tại (sốt, ho, bệnh cấp tính). Bệnh mãn tính hoặc đang điều trị. Thuốc, liệu trình đang hoặc đã sử dụng. Tiền sử dị ứng hoặc phản vệ với bất cứ tác nhân. Tình trạng nhiễm COVID-19 nếu có. Các vaccine đã tiêm trong 14 ngày gần đây. Mang thai cho con bú. Nếu được mang theo toa, xét nghiệm, giấy ra viện làm bằng... Đừng quên tham khảo kỹ loại vaccine cùng tác dụng phụ có thể có vaccine /tác dụng phụ với cán bộ y tế.
● Nên và không nên ăn gì, uống gì trước khi tiêm ngừa?
Chung quy 2 việc cần làm trước ngày xin một vé vaccine là thêm vây thêm cánh cho hệ miễn dịch, và ngăn ngừa tác dụng phụ. Gọi là thuốc bổ vaccine là các chất chống oxy hóa (bông cải, ớt chuông, rau bina, cam, táo, ngũ cốc nguyên hạt, đậu , hạt), chất xơ (bánh mì, yến mạch, cà rốt, bơ, chuối, lê , khoai lang), prebiotic hỗ trợ lợi khuẩn (sữa chua, pho mát, chuối, hành tây/tím/boa rô, măng tây, tỏi, kim chi, dưa chua, ong biển, các món lên men tempeh, kefir, natto). Tránh stress, ngủ đủ, caffeine vừa phải. Đại để, không phải cố quá kẻo chột bụng, Tào Tháo rượt rồi cuộc tiêm ách lại tính già hóa non.
● Ngừa dị ứng, đau sốt khi tiêm chủng, có nên uống chần thuốc dị ứng, giảm đau trước ?
Tựu trung không nên chần thuốc trước kiểu này mà chỉ để dành, chẳng hạn thuốc giảm đau khi có triệu chứng sau tiêm. Đi trước một bước bằng thuốc kháng histamin cũng không được khuyến cáo, bởi chúng chẳng những không ngăn được sốc phản vệ, nếu có, mà còn có thể che lấp dấu hiệu SOS trên da, niêm mạc của chính tai biến. Bất kể thuốc men, dùng trước đa phần rối hơn là xoa. Cả khi dùng thuốc để chữa dị ứng trước đó cũng phải cho vào danh sách khai báo.
● Xử lý tại nhà những tác dụng phụ tiêm chủng ?
Những tác dụng phụ thường nhẹ, nhanh khỏi, gồm đau, tấy chỗ tiêm, sốt nhẹ, ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, buồn nôn... Nếu cần có thể dùng paracetamol, ibuprofen giảm đau chỗ tiêm, đau đầu, cơ, khớp (có chỉ định hay hơn). Chườm mát chỗ đau, xoay cánh tay giảm đau. Mệt mỏi cần nghỉ ngơi...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận