Tên của hãng hàng không quốc gia Indonesia được đặt theo loài chim thần thoại Garuda, vốn là vật cỡi của thần Ấn Độ Vishnu, được nhắc tới trong cả Ấn Độ giáo và Phật giáo.
Vậy mà gần đây, những “chim thần” Garuda Indonesia đã liên tục gặp sự cố chỉ vì mấy cánh diều do dân chúng thả chơi quanh các sân bay ở Indonesia. Số vụ bị gián đoạn liên quan tới thả diều là tương đối cao, bất chấp số chuyến bay đã giảm khá nhiều vì đại dịch COVID-19.
Chỉ tính riêng tại Soekarno-Hatta - sân bay quốc tế phục vụ khu vực đại đô thị Jakarta trên đảo Java, ở Tangerang, Banten, trong 59 báo cáo về việc gián đoạn các chuyến bay từ tháng 5 tới tháng 7 năm nay, đã có bảy vụ liên quan tới chuyện thả diều, theo nhà điều hành sân bay quốc doanh PT Angkasa Pura II.
Trong 7 sự cố liên quan tới thả diều, có một vụ có thể gây tử vong, do các bộ phận của một cánh diều đã… lọt vô động cơ máy bay. Các nhà chức trách đã tìm thấy dây cước và các thanh tre bị quấn vào bên trong cánh quạt của máy bay, theo kompas.com.
“Chi phí mà chúng tôi phải bỏ ra, gồm cả chi phí kiểm tra và sửa chữa, là khoảng 4.000 USD. Dù sao, chi phí ấy vẫn là một ‘vấn đề tương đối nhỏ’, so với rủi ro do những sự cố như vậy gây ra.” - ông Bernard Partogi Sitorus, giám đốc cấp cao về quản lý sự cố của hãng Garuda Indonesia cho biết.
Năm 2009, Indonesia đã ban hành luật Hàng Không, bao gồm cả việc cấm thả diều quanh những khu vực hoạt động bay. Điều 421 của luật đã nêu rõ hình phạt lên tới 3 năm tù, kèm theo… 1 tỷ rupiah (hơn 1,5 tỷ đồng) tiền phạt, nếu vi phạm.
Mặc dù vậy, dân Indonesia vẫn còn vô tư thả diều, không chỉ gây ảnh hưởng tới hoạt động hàng không mà còn làm gián đoạn nhiều cơ sở và dịch vụ khác.
Gần đây nhất, hồi tháng 7-2020 ở đảo Bali, cảnh sát đã bắt giữ một người đàn ông với cáo buộc gây mất điện kéo dài 5 giờ liền ở 3 quận, sau khi cánh diều của anh ta bị đứt và rớt xuống một… trạm biến áp thuộc sở hữu của công ty điện lực nhà nước PLN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận