Doanh số bán của bia Corona không hề bị ảnh hưởng, dù tên gọi gắn với loại virus chết người. Một giáo sư marketing tên Mark Ritson giải thích rằng, virus corona mang tới nhiều lợi hơn hại cho nhãn hàng.
Chúng ta đang thường xuyên nghe thấy “corona”, và dù trước (hay sau) nó có chữ “virus” hay không, theo Mark Ritson, tên thương hiệu bia đến từ Mexico vẫn cứ in sâu vào tâm trí chúng ta.
Khi mua sắm, con người sẽ trở lại bản năng và thói quen: ta sẽ chọn món đầu tiên nghĩ tới. Khi mua bia, ta “bất chợt” quên mất những sự kiện thời sự đang diễn ra.
“Khi đi vào quán bar, câu hỏi không còn là “liệu đại dịch này có khiến ta nghĩ khác về các loại bia trong menu” hay không? Mà nó chỉ là: “Anh dùng bia gì?” Và với hàng ngàn người, câu trả lời sẽ là… Corona.
“Chẳng phải vì Corona đại diện cho con virus chết người. Cũng chẳng phải những liên tưởng tiêu cực nó gây ra. Mà chỉ là vì đó chính là loại bia đầu tiên xuất hiện trong đầu.”
Vậy là Corona đã thắng lợi trước virus corona. Và nhiều thương hiệu khác cũng vậy.
Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm tất yếu như nước rửa tay, xà phòng, hay đủ các loại khẩu trang đang biến mất khỏi kệ hàng siêu thị, mà còn nhiều nữa: “Mỗi khi có khủng hoảng, cũng sẽ có cả cơ hội,” theo Elspeth Chung, giám đốc giám định toàn cầu tại Kantar Millward Brown, hãng nghiên cứu thị trường tầm cỡ thế giới. Một số công cuộc kinh doanh sẽ thu lợi từ đại dịch.
Ở Trung Quốc, khi công dân bị cách ly nhiều tháng nay, các dịch vụ giải trí tại gia phất lên thấy rõ. Người dùng TikTok cao vút; game online liên tục bị đứng vì quá tải; Alibaba xây dựng hệ thống cho người mua tạp hóa bằng livestream.
Ở Anh, dù chưa có tình trạng phong tỏa, người dân cũng đã bắt đầu tích trữ, buộc các siêu thị phải đưa ra hạn ngạch cho các hàng hóa cơ bản như mỳ, sữa tiệt trùng, rau đóng hộp. Ở Châu Âu cũng không khác biệt.
Ở Đức, súp ăn liền bán chạy tới 112%; cá và trái cây hộp tăng 70%; mỳ tăng 73%; rau hộp tăng 80%.
Vận chuyển rau củ quả cũng tăng nhanh ở Anh, khi các siêu thị đang có nhu cầu giao hàng tại nhà ngang với mức giao hàng Giáng Sinh. Kể cả sau khi tăng năng suất lên 20%, các khung thời gian giao hàng vẫn hết sạch. Nhu cầu mua tăng cao tới mức một giám đốc siêu thị còn gợi ý “mời” quân đội nhập cuộc vận chuyển.
Ứng dụng giao thức ăn Deliveroo bắt đầu thu lợi từ các biện pháp cách ly. Các đơn hàng đồ ăn trưa ở Hong Kong của ứng dụng tăng gần 100% so với tháng Một.
Nhu cầu giải trí tại nhà cũng tăng mạnh, giải thích vì sao cổ phiếu Netflix, Facebook và ứng dụng livestream tập thể dục Peloton đang tăng.
Trong khi đó, Facebook, Sony và Nike nằm trong số những công ty đầu tiên cho nhân viên làm việc tại nhà, và thị trường dự báo sẽ còn nhiều công ty khác làm theo họ.
Dù vài tuần qua, đại đa số cổ phiếu đã giảm sâu, cổ đông ở Zoom tăng gần gấp đôi so với tháng Một. Nền tảng họp trực tuyến bỗng dưng giá trị hơn bao giờ hết, khi thế giới chọn hình thức làm việc tại nhà. Chưa kể, các nhà đầu tư còn khiến một cổ phiếu trùng tên Zoom Technologies tăng gấp đôi, vì… nhầm tên.
Ứng dụng làm việc công sở Slack cũng tăng tiến – cổ phiếu của ứng dụng tăng 30.3% hồi tháng Hai – là bằng chứng hùng hồn cho lợi ích của covid-19 mang lại cho làm việc từ xa.
Ở Trung Quốc, số người làm việc qua điện toán đám mây tăng nhanh tới nỗi các công ty công nghệ phải nâng cấp các ứng dụng làm việc từ xa, hoặc cho ra đời các dịch vụ hoàn toàn mới. “Giữa lúc virus corona đáng sợ cho tất cả mọi người, nó lại thúc đẩy các ứng dụng làm tăng năng suất lao động tại Trung Quốc.”
Kể cả khi không có các biện pháp cách ly, công sở trên toàn thế giới đều đang bị ảnhh hưởng nặng nề - và có thể còn về lâu về dài. Một chuyên gia tại Bloomberg cho biết, “Đại dịch corona sẽ có tác động lâu dài lên cách cả thế giới làm việc trong môi trường ảo. Một khi chúng ta hình thành thói quen sinh hoạt trên mạng, chúng ta cũng sẽ thay đổi thói quen tiêu dùng dài hạn.”
Khi thói quen tiêu dùng thay đổi, chúng trở thành mục tiêu trọng tâm của các sản phẩm và dịch vụ mới. Khi người dân buộc phải ở trong nhà, họ sẽ thích nghi cuộc sống theo đó, và các công cuộc kinh doanh cũng sẽ thích nghi theo.
Có người lập luận rằng, sự bùng nổ của ngành công nghiệp bán lẻ trực tuyến Trung Quốc đến từ… đại dịch Sars 2003, kéo theo sự ra đời của đế chế Mã Vân – Alibaba.
Ít nhất, có lẽ các công nghệ cho phép làm việc tại nhà sẽ phát triển theo cấp số cộng. Một sự thay đổi lớn chắc chắn sẽ xảy ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận