Cuộc họp báo của Novak Djokovic trước thềm Giải Úc mở rộng 2025 bỗng nóng lên, khi tay vợt người Serbia từ chối trả lời những câu hỏi xoay quanh tuyên bố gây chấn động của anh về việc bị "đầu độc" ba năm trước tại Melbourne.
Câu chuyện bắt đầu khi một cuộc phỏng vấn với GQ được đăng tải, trong đó Djokovic khẳng định thức ăn được phục vụ trong thời gian bị giữ ở khách sạn năm 2022 đã khiến anh gặp phải một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm mức độ chì và thủy ngân cao. Thời điểm đó, Djokovic đến Úc nhưng bị trục xuất vì không tuân thủ quy định về tiêm vắc xin COVID-19.
Cuối buổi họp báo, khi Djokovic chuẩn bị rời khỏi phòng, một phóng viên người Úc đã yêu cầu anh làm rõ liệu anh có bằng chứng nào về tuyên bố mình bị "đầu độc" hay không.
"Tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn này từ vài tháng trước," Djokovic trả lời. "Tôi rất mong các bạn không hỏi thêm chi tiết về vấn đề này, vì tôi muốn tập trung vào quần vợt. Và đó mới là lý do tôi có mặt ở đây".
Khi phóng viên tiếp tục yêu cầu trả lời thẳng vào câu hỏi, Djokovic đã bước ra khỏi phòng mà không đưa ra bất kỳ câu trả lời nào thêm.
Chuyên gia nói về khả năng Djokovic bị 'đầu độc'
Trong cuộc phỏng vấn với GQ, Djokovic tiết lộ rằng sau khi trở về nhà, ngôi sao quần vợt Serbia phát hiện mình bị nhiễm kim loại nặng, cụ thể là chì và thủy ngân ở mức độ cao. "Tôi chưa bao giờ nói ra công khai nhưng tôi phát hiện ra mình có mức độ kim loại nặng, chì và thủy ngân rất cao", anh cho biết.
Khi được hỏi liệu thức ăn ở Úc có phải là nguyên nhân, Djokovic trả lời: "Đó là con đường duy nhất".
Anh mô tả tình trạng sức khỏe của mình giống như bị cảm cúm. Nhưng sau vài ngày, anh cảm thấy cực kỳ mệt mỏi và phải nhờ đến đội ngũ y tế khẩn cấp điều trị tại nhà.
Nhiều chuyên gia sức khỏe cho rằng việc nhiễm kim loại nặng qua thức ăn là điều khó xảy ra, một số người vẫn tin rằng tuyên bố của Djokovic là "một cáo buộc tàn nhẫn".
Damian Maganja, nhà nghiên cứu tại Viện Sức khỏe toàn cầu George, cho biết: "Khả năng này là có thể... nhưng rất khó xảy ra khi xét đến thời gian tạm giữ của anh ấy".
Dr. Barbara Cardoso, chuyên gia dinh dưỡng Đại học Monash, cũng chia sẻ rằng người dân Úc có ít nguy cơ bị nhiễm chì và thủy ngân nhờ các biện pháp như loại bỏ chì khỏi sơn, xăng và hệ thống ống nước.
"Thủy ngân có thể có trong thực phẩm, nhưng các loại thực phẩm chứa nhiều thủy ngân nhất là cá và hải sản", bà cho biết. Tuy nhiên, với chế độ ăn thuần chay mà Djokovic đang tuân thủ, việc anh bị nhiễm thủy ngân từ cá và hải sản là không có khả năng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận