Chùm ảnh Oyako – ghép từ Oya (cha mẹ) và Ko (con cái) – chụp lại từng cặp cha hoặc mẹ và con cái của họ theo tháng năm, và tìm xem họ đã trưởng thành và cùng nhau song hành như thế nào.
Là một cái nhìn cảm động về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, bản thân dự án Oyako cũng đã thay đổi cuộc đời của Osborn.
Dự án Oyako khởi đầu năm 1982, khi nhiếp ảnh gia được giao một tờ tạp chí và chụp ảnh các nghệ sĩ chơi nhạc punk.
Khi đó, Osborn nhận thấy đặt các nghệ sĩ “ngầu lòi” này cạnh cha mẹ của họ là một ý hay. Hứng khởi trước thành quả thu được, Osborn quyết đeo đuổi dự án như một cách để khám phá khoảng cách thế hệ và mối quan hệ giữa cha mẹ tại Nhật với con cái của họ.
Dù đã gần 40 năm ra đời, dự án Oyako chỉ mới nhận được sự quan tâm mới đây bên ngoài Nhật Bản. Chính mối liên kết gia đình giữa các nền văn hóa khiến Oyako trở thành một dự án có tính chất vượt ra ngoài không gian địa lý, đồng thời chứng kiến những đứa trẻ ngày trước trở thành người lớn, còn cha mẹ trở thành những cụ ông cụ bà hưu trí cũng là một cảnh tượng hết sức lý thú.
Trong khi một số các nghệ sĩ punk ngày trước vẫn theo nghiệp, số khác lại chuyển nghề chỉ sau một thế hệ, chẳng hạn gia đình Kida, cậu con trai Tsuyoshi có cha là ông Mitsunari là một đô vật sumo. Đến 16 năm sau, ông Mitsunari chuyển sang nghề kinh doanh nhà hàng, trong khi Tsuyoshi lại nối nghiệp cha, để rồi năm năm sau, anh lại theo nghề… đầu bếp.
Những thay đổi này chỉ có thể nhìn thấy được nhờ vào sự tận tụy của Osborn cho dự án. Khi Oyako bắt đầu, chính gia đình Osborn cũng đang chuẩn bị sinh con đầu lòng, và ý nghĩ về dự án cũng trùng khớp với ý định chụp ảnh con trai Osborn với mẹ. Chính sự tương đồng, thay vì tương phản về lối sống, trang phục mới là thứ khiến Osborn thấy vô cùng ngạc nhiên.
Oyako dường như là một từ kết hợp phản ánh cách người Nhật nhìn nhận về mối gắn bó giữa cha mẹ và con cái không thể tách rời nhau. Theo thời gian, những nhân vật trong chùm ảnh của Osborn dường như càng gắn bó thân thiết hơn sau từng lần, và khoảng cách giữa người chụp ảnh với người được chụp cũng nhòa đi.
Mục tiêu khi ấy trở thành việc ghi lại những thay đổi xảy ra, cùng với những điều không hề thay đổi giữa họ. Osborn nhận thấy, các đứa trẻ càng lớn càng giống cha mẹ họ, có thể là ở chiếc mũi, hay cách họ cười. Càng lâu, các đứa con càng có liên hệ mật thiết hơn với cha mẹ, đồng thời mối liên hệ đó cũng đảo ngược khi người con bắt đầu chăm sóc ngược lại cha mẹ mình.
Osborn đã chụp ảnh hơn 8000 cặp cha mẹ và con cái. Hàng năm vào ngày chủ nhật thứ 4 của tháng bảy, Osborn và vợ cho mời 100 gia đình đến studio để chụp cả ngày, và truyền cảm hứng cho nhiều nhiếp ảnh gia khác tại Nhật làm theo.
Điều theo Osborn là quan trọng nhất của dự án Oyako chính là những bức ảnh tạo thành kỷ niệm trường tồn cho mỗi gia đình tham gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận