Thời buổi các đạo chích hoạt động táo bạo, cả ngày lẫn đêm nhiều nhà buộc phải nuôi “anh khuyển bảo vệ” để báo động, tấn công kẻ “xâm nhập gia cư bất hợp pháp”. Một số gia đình lại coi việc nuôi thú cưng như chó, mèo để ôm ấp, đưa lên xe hơi, sáng sáng dắt đi dạo rồi cho chó “ị” vào bãi cỏ ven đường như một thú chơi “quý sờ tộc”.
Từ xa xưa chó được coi là người bạn trung thành với chủ nhà, chúng vui mừng quẫy đuôi khi chủ đi làm về, chúng liếm chân tay chủ, liếm mặt em bé, ngồi nhìn gia chủ ăn uống, chờ cho khúc xương, miếng cá. Đêm đến chó nằm ngoài cửa canh cho giấc ngủ của gia chủ. Hình ảnh con chó buồn rầu, chảy nước mắt, nằm canh mộ ông chủ là hiện thân của sự trung thành tuyệt đối.
Dù là quan hệ “chủ-tớ” lại là hai loài khác nhau nhưng thân quá lại thiếu cảnh giác nên một số người đã bị nhiễm bệnh từ “anh bảo vệ” hay “cục cưng” mà không hay. Căn bệnh đáng lo ngại là lây nhiễm giun đũa chó.
Đường đi của giun đũa chó
Giun đũa chó (Toxocara canis) hình thon hai đầu. Giun cái trưởng thành dài từ 8 - 13cm, giun đực dài từ 5 - 8cm.
Gọi là giun đũa chó vì nó sống trong ruột chó, trứng theo phân chó ra ngoài, bạn nựng chó, vuốt tay vào đuôi, quên rửa tay lại cầm thức ăn bỏ vô miệng và nuốt phải trứng giun đũa chó.
Trẻ bò dưới nền nhà , biết ngồi mẹ đưa cho ít đồ chơi, bé thường đưa đồ chơi vô miệng, chó liếm đồ chơi, nằm lên, lông đuôi sau khi “ị” dính một chút phân, mắt thường không thể nhìn thấy, tay chân bé, đồ chơi đều dính trứng giun và bé cứ thế đưa vô miệng.
Trẻ thích chơi với chó, chúng vuốt lưng, vuốt đuôi và cười sung sướng, phân chó dính vào tay, bé hốn nhiên đưa lên miệng mà mút.
Gia đình ra bãi cỏ chơi, nằm, ngồi, vuốt tay lên cỏ, trước khi ăn không rửa tay, trứng giun được “nhập khẩu” vào miệng chả cần khai báo hải quan.
Đường đi của trứng giun đũa chó quá dễ dàng, ít ai để ý. Trứng giun còn nằm trong đất hoặc nước bị nhiễm phân chó mèo rồi bám vào rau sống, ta mua về, rửa qua rồi ăn luôn.
Thịt chó mèo chế biến ẩu, nấu chưa kỹ, các bợm nhậu rượu thịt chó nuốt luôn cả trứng giun vào bụng. Qua “bộ khẫu” trót lọt, men tiêu hóa ở bao tử cũng không diệt được chúng. Khi đến ruột non trứng nở giải phóng ấu trùng.
Tổn thương khắp nơi
Gọi là “ấu trùng” tức là chúng ở giai đoạn còn rất non và ở cơ thể người chúng không biến thành con giun đũa chó được. Tuy vậy chúng lại có khả năng di chuyển và gây hại. Chúng chui qua thành ruột non và chạy đến gan. Tại gan nếu chúng “định cư” thì sẽ làm gan sưng to, đau. Từ gan chúng theo máu của hệ tuần hoàn và hệ bạch huyết di chuyển đến các tổ chức khác như phổi (ho, sốt kéo dài), đến tim gây viêm cơ tim, đến bụng (viêm phúc mạc, đau bụng, táo bón kéo dài), tới mắt(giảm thị lực, có thể mù), chạy lên não (viêm não, có người lên cơn động kinh, liệt nửa người, có người hôn mê rồi chết)... Chúng chạy tới da gây ngứa như kiểu dị ứng.
Theo nghiên cứu của Bệnh viện Claude- Bernard (Pháp) trên 350 bệnh nhân thì giun đũa chó gây ra đối với nội tạng là: gan to (74,6%), sốt (69,3%), dấu hiệu về hô hấp (66,7%), dấu hiệu về tiêu hóa (47,6%), mệt mỏi (44,8%), suy dinh dưỡng (44,2%), lách to (thường đi kèm gan to: 32,9%), ăn không ngon (31,1%), xanh xao (26,2%), dấu hiệu về tim (11,1%), phù (11%).
Có người hỏi : nếu không biến thành giun trưởng thành thì bao lâu chúng chết? Câu trả lời là : rất nhiều năm, bởi ấu trùng còn núp dưới dạng một lớp vỏ gọi là kén, thỉnh thoảng chúng mới chui ra khỏi kén mà hoành hành.
Nếu trong nhà nuôi chó, mèo (mèo ít thân thiết hơn chó nhưng ẵm, bồng, ngủ chung với mèo thì giun đũa mèo (Toxocara cati) cũng gây bệnh như vậy), trẻ tự nhiên ngứa, chán ăn, quấy khóc hoặc nhức đầu, đau bụng, đau hạ sườn phải mà nhà nuôi chó thì nên đưa đi khám chuyên khoa ký sinh trùng. Bé sẽ được xét nghiệm máu, xét nghiệm phân và tìm ra thủ phạm (giun đũa người, giun đũa chó, giun kim cứ như một…vườn bách thú ký sinh trùng)
Phòng bệnh
Bạn nuôi chó con cần xổ giun ngay từ 3 tuần tuổi, xổ giun nhắc lại 3 lần cách nhau 2 tuần và sau đó cứ 6 tháng xổ lại một lần. Để tránh lây nhiễm từ cỏ, đất thì tất cả chó mèo trong khu dân cư cần được xổ giun theo liệu trình như vậy.
Rau sống cần rửa từng lá dưới dòng nước chảy mới mong trôi hết trứng giun. Hàng ngày tắm cho chó, mèo bằng xà bông, nhớ cọ kỹ phần lông đuôi. Tốt nhất không để trẻ chơi với chó hoặc bò lê trên nền nhà.
Giun đũa chó gây bệnh âm thầm, khi phát bệnh lại rất nguy hiểm, ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe, có thể dẫn đến tử vong. Yêu thú cưng, xin các gia đình lưu ý vệ sinh cho thú và cho mỗi thành viên, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận