2 ngày sau cá tháng Tư, anh có câu trả lời bằng hashtag #coronadivorce (tạm dịch ly hôn vì corona) – người người dùng nó để ta thán về nửa kia của mình – bắt đầu bắt trend trên MXH.
“Chúng tôi muốn ngăn chặn mọi người ly hôn,” Arai cho biết. “Ý tưởng thật sự phía sau của việc thuê lại các phòng trống là để các cặp đôi đã kết hôn có thể có thời gian và không gian (gọi là không-thời-gian) riêng tư để chiêm ngẫm về mối quan hệ của mình.”
Khi Nhật Bản chật vật ngăn chặn gia tăng các ca nhiễm virus trong tháng Tư, các hoạt động kinh doanh và nhất là khối du lịch bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, bởi du khách không thể du đi đâu được. Tính tới 4 tháng Năm, có gần 15.000 ca nhiễm và 500 ca tử vong, theo số liệu của ĐH Johns Hopkins.
Một công đôi việc, nhất là khi không biết tình trạng khẩn cấp tại Nhật kéo dài tới đâu, Arai vừa có thể duy trì hoạt động kinh doanh phòng khách sạn – cũng đồng thời cứu vãn vài mối quan hệ…
Các cố gắng cân bằng giữa công việc và đời sống gia đình cho công nhân viên một thập kỷ qua khiến nam giới cổ cồn trắng tại Nhật đang dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, tuy nhiên các đức ông chồng vẫn dùi mài phần lớn thời gian tại văn phòng – không phải vì sếp ép buộc, mà vì… họ muốn ở lại, chứ chẳng muốn về nhà, theo chuyên gia về Nhật Bản Jeff Kingston, ĐH Temple, Tokyo.
Kingston cho rằng, một số đàn ông Nhật Bản thường là kiểu người thích lãng tránh – họ muốn thoát khỏi công việc gia đình, hoặc không muốn con cái tuổi vị thành niên nhìn mình như “người xa lạ” (ngoài hành tinh!)
Cho tới khi xảy ra phong tỏa, vì corona.
“Các cặp đôi đang đối diện với tình huống chưa từng xảy ra trước đây, phải giáp mặt nhau 24/24 mỗi ngày,” một tài khoản Twitter nhấn mạnh. “Đại dịch đã buộc họ phải đối diện với tình huống mà ngày trước họ đã có thể tránh được.”
Nhưng còn nhiều lý do khác nữa cho việc vì sao nhiều người cần một không gian cách xa khỏi nửa kia của mình. Chie Goto, một luật sư về ly hôn tại công ty luật Felice Law ở tỉnh Hyogo đã lên tiếng trên blog các nhân rằng phụ nữ có dễ dàng trở thành nạn nhân của bạo hành trong giai đoạn này. Có một nơi như vậy có thể giúp họ.
Rất dễ dàng: công ty cung cấp 500 căn phòng đầy đủ tiện nghi tại các khách sạn và lữ quán khắp nước Nhật. Khách có thể ở đây một ngày tới… sáu tháng, với giá khoảng 4000 yên (gần 900.000 đồng)/ngày và 90.000 yên (gần 20 triệu đồng)/tháng.
Công ty Kasoku nhận được hơn 140 yêu cầu, chủ yếu từ phụ nữ trong khoảng 30 tới 40 kiếm nơi yên tĩnh để làm việc từ xa, vừa muốn có thời gian cách xa chồng. Tới nay đã có gần 40 người chọn thuê.
Tỉ lệ ly hôn tại Nhật vào khoảng 2 ca/1000 dân, so với 3 ở Mỹ và 4,5 ở Nga, theo một khảo sát của OECD năm 2017.
Dù con số này không thật sự “đáng gờm”, tình trạng xả căng thẳng trên MXH cho thấy con người ngày càng cảm thấy bức bối trong bối cảnh đại dịch, theo Goto. “#Coronadivorce rõ ràng có nguyên nhân của nó, và cần có các biện pháp.”
Theo Goto, mỗi người mỗi phản ứng khác nhau. Dưới sức ép giãn cách xã hội, người ta có thể thấy nhân sinh quan của mình – và đại dịch – khác với nhân sinh quan của nửa còn lại, không thể dung hòa. Chẳng hạn một người dùng hashtag #coronadivorce cho rằng mình cẩn trọng hơn người chồng.
“Lúc nào ổng cũng bị nhắc, không biết bao nhiêu lần, mà vẫn không chịu đeo găng tay, khẩu trang, hay kính bảo hộ khi đi tới bệnh viện. Thậm chí tôi còn cảnh báo nhiều ca nhiễm hàng loạt xảy ra ở bệnh viện, mà vẫn không chịu nghe…”
Một người khác cằn nhằn rằng chồng mình không thể bỏ công việc ra khỏi đầu được. “Công việc là quan trọng, nhưng tôi cũng muốn chồng mình linh hoạt hơn tùy theo tình huống. Không lẽ ảnh không hiểu mình đang có một đứa con trai hay sao? Hay là ảnh nghĩ vợ nhà là… bà giúp việc? Bó tay!”
Nhưng không phải ai cũng đủ rủng rỉnh để ra ngoài ở và tránh khỏi nửa còn lại. Để tránh xung đột, Goto khuyên các cặp đôi tự “tổ chức các buổi nói chuyện về phòng chống corona”, để thảo luận về thay đổi lối sống cùng với nhau, như là cách bỏ khẩu trang đã qua sử dụng, rửa tay ngay khi về nhà, hay ai sẽ chuẩn bị thức ăn.
Sau đó, “hãy dán chúng ở đâu mà mọi người cùng thấy.”
Alison McClymont, một nhà trị liệu tâm lý tại Hong Kong, cho rằng đại dịch cũng đang tạo ra sự chênh vênh, bất an về tương lai. Nhận thức đó có thể thâm nhập vào mọi gia đình, khiến họ cảm thấy “chơi vơi”
“Khi nhìn thấy sự hủy diệt xung quanh, ta bắt đầu phản chiếu chúng trở lại trong gia đình mình. Con người có thể trở nên cáu kỉnh, bực dọc, thậm chí dữ tợn,” Alison nói tiếp.
Michael Nevans, giám đốc một trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Tokyo, thì cho rằng, “Khi không thể tránh xa một người nào đó, hãy vận dụng nhận thức của mình.”
Anh đề nghị các cặp đôi tiếp tục ngày của mình của như thể vẫn đang đi làm, và chỉ tới tối mới trò chuyện với nhau.
Arai và Kosaku hy vọng các chuyến thuê ngắn ngày có thể trở thành một dịp “lánh nạn” ngắn hạn mà thôi. “Chúng tôi muốn khách hàng sử dụng không gian này để suy ngẫm về những gì chưa ổn trong mối quan hệ của mình,” anh nói.
Nhưng nếu ở rồi mà vẫn cứ… chưa ổn, Kosaku cũng liên kết với một đơn vị tư vấn ly hôn. Dịch vụ trọn gói.
Dù vậy, cũng có quan điểm cho rằng, đại dịch chính là dịp để chúng ta khám phá sâu sắc hơn về nhau, “những người trước kia phải chịu quá nhiều gián đoạn từ công việc, trường lớp, không còn nhiều thời gian ở cạnh nhau như một gia đình. [đ]ây chính là lúc ưu tiên gia đình trên tất cả,” McClymont góp ý.
Coronadivorce đã trở thành một từ khóa thật… kêu hiện nay trên thế giới, vì đang có quá nhiều người cảm thấy ít nhiều tiêu cực, thế nhưng sau đó, một người dùng Twitter chêm thêm, “có thể corona marriage (kết hôn corona) sẽ thịnh hành!”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận