Gạt sang rối rắm, có lẽ, thiết thực hơn cả là nắm được càng nhiều càng hay “triệu chứng” nhận dạng một người đang chuẩn bị hủy mình.
Tinh thần lẫn thể xác
Thứ quăng quật người bệnh trầm cảm đến ý định diệt thân, không chỉ tinh thần (chán chường, bế tắc, cô độc, thất vọng, có lỗi, mất động lực...) mà còn thể xác (mệt mỏi, mất ngủ, đau mình nhức mẩy, ảo giác...). Nếu nợ xác thân là một căn bệnh nan y, cơn đau trường diễn, sự càng rõ. Lắm khi thứ sau cùng kích động nạn nhân nhảy khỏi cửa sổ, không phải là cô đơn, bế tắc gì mà là một cơn đau kịch phát. Chặn thì đừng quên chặn cả hai.
Động lực vô số
Hai động cơ chủ đạo của tự sát là “giải thoát bế tắc” và “chấm dứt nỗi đau”, nhưng thực tế, nạn nhân luôn có những “động lực” riêng tây. Một cô gái luôn cho mình là nỗi xấu hổ của gia đình danh gia vọng tộc, thì ý định bỏ mình có khi nhằm giải thoát cho người thân khỏi nỗi mất mặt, chẳng phải do công việc, tình trường thất bại gì. Mắc sâu suy nghĩ không còn chỗ đứng, một người từng có cả thế giới, quyết buông tay vì không còn lưu luyến chốn vô tình, chứ không phải là căn bệnh nan y anh ta đang mắc...
Triệu chứng lâm sàng của trầm cảm - tự sát là gì?
Nói vậy nhưng nhìn - sờ - gõ - nghe cho ra một người “xắn tay áo” chuẩn bị chấm dứt chẳng dễ dàng. Có 2 “kiểu”, một là nhóm ồn ào, tức những người không giấu giếm, thậm chí khoe khoang ý định tự sát, thậm chí vạch sẵn kế hoạch (dây thừng, thuốc ngủ, thuốc độc, dao lam, nơi chốn…), di chúc, di huấn, chia tay chia chân trên mạng. Ngược lại là nhóm trời biết đất biết, thậm chí nhảy lầu, cắt cổ tay chỉ là “phút xuất thần”, cơ hội vàng bất thần, chứ họ không hề chủ ý .
Truy vết
Rõ ràng, việc bẻ gãy “mưu toan” của nhóm ồn ào dễ hơn đôi chút so với nhóm kín như bưng. Khó nhưng gắng vẫn gặp may. Nhờ đọc lén truy cập Google với từ khóa “cầu Bình Lợi”, “chết đuối không tìm thấy xác” mà người nhà phăng ra được ý đồ. Oái oăm, còn lắm lời thì trầm cảm còn nhẹ, ngược lại, im ỉm, dày công bày thế “một phát ăn ngay”, miễn cứu, thì bệnh đã hết thuốc chữa.
Chọn mặt người coi sóc
Với bệnh trầm cảm, sự cận kề, chăm sóc của người thân, người coi sóc, là tiên quyết. Ở đây dùng từ coi sóc, tức chăm sóc và coi chừng. Tận tình nhưng thiếu kỹ năng nhìn ra ý định “giải thoát”của người bệnh, thì đau lòng vẫn đến. Không ít trường hợp có lỗi của người được cắt đặt theo sát nạn nhân, giỏi chăm sóc nhưng dở coi chừng. Còn phải kể, sau thời gian căng dây đàn bên người bệnh thì chính người chăm sóc lại ngã bệnh…trầm cảm. Một người trầm cảm nhẹ chăm sóc người trầm cảm nặng!
Một lần sẽ có…n lần
Với người bệnh trầm cảm đã từng một lần tự sát thì sẽ có lần sau, lần sau nữa, thậm chí còn... rút kinh nghiệm lần sau hiệu quả hơn, nếu bệnh tình không thuyên giảm.Vô duyên nhưng câu “quân tử trả thù mười năm chưa muộn” hợp lẽ với người bệnh. Nhiều trường hợp thân nhân phải ân hận, vì cho rằng bệnh đã thuyên giảm, người bệnh đã nguôi nguôi, mà không biết đương sự đang âm thầm “thua keo này bày keo khác”.
Trình độ là nguy cơ?
Không phổ quát, nhưng “trình độ”, chết nỗi, lại là yếu tố thúc đẩy trong nhiều trường hợp tìm đến giải thoát. Hẳn là bụng chữ càng to, bằng cấp càng cao, người ta dễ đi đến cái kết “thiên hạ không hiểu mình”?
Rõ trên chỉ là những lát cắt nhỏ nhoi cho cố gắng nhìn ra ý định tự giải thoát của người bệnh. Thực tế, được người bệnh hé cửa nhìn vào thế giới của họ đã là may, đừng nói được họ cho đọc “kịch bản” kết thúc cuộc đời. Khó nhưng dứt khoát không phải là không thể. Bằng sự hiệp lực của y khoa, tấm lòng, sự chịu khó của người thân, người chăm sóc, không ít bệnh nhân kịp từ bỏ kế hoạch. Những chuyện đau lòng đã xảy ra, hãy hiểu, chỉ là những thất bại thiểu số của sự cố gắng vì người bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận