Trong cập nhật Hướng dẫn Chẩn đoán và Điều trị COVID-19 phiên bản lần thứ 6, ban hành ngày 14/7, Bộ Y Tế đã bổ sung SARS-CoV-2 có thể lây qua đường không khí, bên cạnh giọt bắn, hạt khí dung hay qua tiếp xúc trực tiếp. Điều này làm dấy lên lo ngại của một số người dân, khi họ cho rằng virus SARS-CoV-2 có thể sống lâu trong không khí và di chuyển từ nơi này qua nơi khác.
Cụ thể, nhiều người lo lắng về việc nhà ở nằm gần mặt đường lớn, trước nhà có nhiều người đi lại. Vậy việc mở cửa sổ có tạo điều kiện cho virus SARS-CoV-2 bay vào nhà và phát tán mầm bệnh hay không?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TP HCM) chia sẻ: Nếu vị trí của bạn cách người đi đường ít nhất vài mét, môi trường xung quanh thông thoáng thì không cần lo lắng về trường hợp virus SARS-CoV-2 bay vào nhà và gây hại cho cơ thể. Loại virus này tồn tại trong các giọt bắn, một số giọt bắn nhỏ có thể lơ lửng trong không khí một thời gian – đó cũng là nguyên nhân lây nhiễm bệnh giữa nhiều người với nhau. Tuy nhiên trong môi trường thông thoáng, loại virus này sẽ nhanh chóng bị loãng đi, do đó sẽ không tồn tại khả năng virus di chuyển từ nhà này đến nhà kia, từ ngoài đường vào nhà, dù nhà bạn có ở ngay gần mặt đường.
Thực tế, để phòng ngừa bệnh tật hiệu quả, gia đình nên thường xuyên mở cửa sổ để tạo cảm giác thông thoáng. Đặc biệt trong trường hợp gia đình có người bệnh F0, nếu không gian gia đình đủ thoáng, có khi virus chưa kịp lây lan sang các thành viên khác thì đã bị loãng đi. Đối với những gia đình có người lớn tuổi, bệnh nền… thì việc mở cửa cho thông thoáng rất có lợi cho tình trạng sức khỏe của họ.
Để phòng ngừa COVID-19, các chuyên gia khuyến cáo các gia đình nên dọn dẹp nhà ở thường xuyên theo hướng dẫn sau:
- Thường xuyên lau nền nhà, những nơi có khả năng chứa virus, vi khuẩn cao như nhà vệ sinh, bồn cầu, thang máy, tay nắm cửa…. và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng chất tẩy rửa thông thường như xà phòng và dung dịch khử khuẩn.
- Luôn duy trì độ thông thoáng cho nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào, cửa sổ. Hạn chế sử dụng điều hòa khi không cần thiết.
- Tránh tích trữ vật dụng cũ, ẩm mốc, không còn sử dụng được trong gia đình. Thay mới hoàn toàn bàn chải, khăn mặt, khăn tắm sau 3 tháng sử dụng.
- Đối với các thiết bị công nghệ: Thường xuyên vệ sinh các thiết bị có khả năng trở thành “ổ chứa” virus như điện thoại di động, bàn phím máy tính. Hạn chế cho người khác mượn thiết bị công nghệ để phòng ngừa lây lan COVID-19.
- Đối với vật dụng làm từ vải: Lau chùi thường xuyên ghế sofa – nơi các thành viên tiếp xúc nhiều nhất. Đồng thời giặt sạch khăn nhà bếp bằng nước nóng ít nhất 1 lần/tuần bởi những bề mặt ẩm ướt là môi trường lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi và phát triển.
- Đối với đồ dùng cá nhân: Không dùng chung khăn tắm, bàn chải đánh răng. Hạn chế dùng chung ly, cốc uống nước với người khác, kể cả với các thành viên khác trong gia đình. Ngoài ra, bạn cần giặt khăn tắm và khăn mặt 2 lần/tuần giúp ngăn chặn sự phát triển của virus cảm thông thường, các loại trứng sán, virus SARS-CoV-2 (nếu có).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận