Đầu tiên tôi phải giải thích cho rõ để các bạn khỏi hiểu lầm.
“HAI CÙ NÈO” là một bút danh tập thể. Bút danh này do nhà báo lão thành Nguyễn Văn Trấn (Bảy Trấn) đề xuất trong cuộc họp BBT chuẩn bị khai sinh ra tờ báo Tuổi Trẻ Cười đầu tiên vào tháng 01/1984 (chú Bảy Trấn là cố vấn cho tờ báo TTC trong giai đoạn đầu thành lập). Ban đầu có 2 anh Hai Cù Nèo cùng lúc là chú Bảy Trấn (người khai sinh bút danh Hai Cù Nèo) và nhà báo Võ Văn Điểm phụ trách báo TTC, tiếp sau đó là các anh Hai Cù Nèo: Nguyễn Đông Thức, Nam Đồng, Lê Văn Nghĩa,... và bây giờ anh Hai Cù Nèo vẫn tiếp tục hiện diện trên báo TTC.
Nhà báo, nhà văn Lê Văn Nghĩa là một trong những người phụ trách tòa soạn báo TTC và một trong những người viết mang bút danh anh Hai Cù Nèo của báo TTC. Anh luôn đính chính khi nói về bút danh Hai Cù Nèo: “Bút danh này nhiều người viết trong đó có tôi. Khi in các bài báo có bút danh Hai Cù Nèo thành sách, tôi chỉ dùng bài viết của mình, nhưng nhiều người hiểu lầm Hai Cù Nèo chỉ có mình tôi”.
Thuở ban đầu của báo TTC, nhà báo Lê Văn Nghĩa phụ trách chuyên mục “Tiệm tạp hóa Hai Cù Nèo”, ngoài ra anh còn ghi những dấu ấn trong trí nhớ bạn đọc với các bút danh hài hước châm biếm: Điệp Viên Không Không Thấy, Thằng Hề, Đại Văn Mỗ (và những bài viết mang bút danh Hai Cù Nèo trong thời gian anh phụ trách tòa soạn báo TTC).
Thân thế sự nghiệp của nhà báo, nhà văn Lê Văn Nghĩa thì có lẽ nhiều người đã biết và các tác phẩm văn chương của Anh cũng khá nổi tiếng, tôi xin phép không đề cập ở đây vì quá nhiều bài viết về anh trên mạng truyền thông,... Ở đây chỉ xin chia sẻ chút kỷ niệm về anh, người bạn, người đồng nghiệp đồng hành mấy chục năm cùng tờ báo TTC...
Mới gặp mặt thì cảm giác ông nhà báo này khó gần, mặt lúc nào cũng đăm đăm, cặp kính lão đeo xệ xệ khiến cho khi nhìn ai phải nghếch cái mặt lên trông rất “chảnh”. Giọng nói thì nhát gừng kiểu “bất cần”, người mới quen rất ấm ức...
Nhưng nếu quen lâu và quen thân, thì Lê Văn Nghĩa là người kể chuyện cười rất có duyên. Trong các cuộc nhậu thân tình, hay các chuyến đi dã ngoại, Lê Văn Nghĩa là một trong các cây gây cười suốt buổi cùng với anh Đồ Bì (Vũ Đức Sao Biển), Nguyễn Tài (họa sĩ biếm, cha đẻ của Linda Kiều)...
Không những thế, Lê Văn Nghĩa còn là người rất hay nghịch ngầm.. Trong chuyến đi Pháp, Lê Văn Nghĩa mua vài món “đồ chơi” mang về. Có hôm, cô khách trẻ đến tòa soạn TTC, mới ngồi xuống ghế salon thì một tiếng “pííii...ít” kéo dài làm cô đỏ mặt, mọi người trong phòng cố nhịn cười để tế nhị với khách. Khi khách ra về, Lê Văn Nghĩa lôi dưới tấm nệm salon một dụng cụ phát ra tiếng “piiii...ít” tế nhị ấy. Lần khác BBT đi dã ngoại ở rừng Bình Phước (năm 1990, vì tôi nhớ năm đó xảy ra vụ chính biến ở Liên Xô), làm dĩa gỏi vịt xong mọi người xuống suối rửa tay chân chuẩn bị một đêm nhậu, Ông Nam Đồng lên trước thấy trên đĩa gỏi chình ình... một đống phân tươi ai mới ị lên... Ông Nam Đồng la ỏm tỏi đứa nào “chơi bậy” quá... Lê Văn Nghĩa bước lại phía đĩa gỏi, dùng tay bốc đống phân lên,... cho vào túi. Thì ra là món đồ chơi y như thật mà anh mang từ Pháp về... Kể một vài chuyện kỷ niệm vui để thấy tâm hồn Lê Văn Nghĩa rất hài hước, trái ngược với vẻ mặt lúc nào cũng đăm đăm của anh.
Về công việc, Lê Văn Nghĩa là người rất nghiêm túc. Anh đọc nhiều, viết nhiều và kiên định theo đuổi thể loại văn trào phúng suốt nhiều năm. Chúng tôi thường ví anh như “Azit Nexin của Việt Nam”. Anh có sự quan sát nhạy bén, trải nghiệm sâu nên các bài viết của anh khá sắc bén và dí dỏm, khiến rất nhiều bạn đọc hâm mộ.
Đối với cá nhân tôi, Anh khá thân thiết, nhưng không tỏ ra thiên vị. Bài nào của tôi có chỗ cần chỉnh sửa thì anh góp ý thân tình. Anh không tỏ ra ưu ái tranh biếm của tôi, nhưng khi sang Đức giao lưu với tòa báo Titanic, anh mang bản gốc tranh của tôi sang tặng báo bạn, và khi báo bạn đăng bài và tranh thì anh mua mấy bản in về tặng lại cho tôi làm kỷ niệm.
Lần khác, anh đại diện Báo Tuổi Trẻ sang Dubai (UEA) dự Triển lãm Biếm họa báo chí thế giới, mang theo tranh của 4 họa sĩ biếm: Nhím, NOP, Nhốp, DAD để trưng bày. Khi về VN, anh tặng tôi vựng tập Triển lãm có đăng tranh của tôi và nói: “Mày hên nha. Có mỗi tranh của mày được chọn đăng đại diện của Việt Nam”. Tôi nói: “Ủa BGK tuyển chọn theo tiêu chí, chứ hên xui gì ta!”. Nhưng trong lòng cũng thầm cám ơn anh đã mang tranh của tôi giới thiệu ở nước ngoài. Mà cũng hên thật, khi sau đó các Tổ chức biếm họa quốc tế thường xuyên hàng năm gửi thư mời tôi tham dự các cuộc triển lãm biếm họa thế giới...
Sau khi nghỉ hưu, Lê Văn Nghĩa suốt ngày đắm mình trong thư viện và viết, cho ra đời những cuốn tiểu thuyết, truyện dài, tản văn, khảo luận nghiên cứu nổi tiếng về Sài Gòn được đông đảo bạn đọc hâm mộ và tái bản nhiều lần, xin phép không đề cập sâu nữa.
Nay cây viết ấy đã theo hạc về trời... Nơi ấy anh sẽ gặp lại các biếm sĩ lão làng của Tuổi Trẻ Cười: Bảy Trấn, Vũ Đức Sao Biển, Nguyễn Tài,... lại có những trận cười thâu đêm ở nơi xa ấy.
Mãi mãi thương nhớ các anh...
HỌA SĨ NHÍM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận