Mặc dù có nhiều lợi ích, nhưng việc dùng công nghệ có thể gây hại đối với bộ não đang giai đoạn phát triển của trẻ em, và khiến người trưởng thành có nguy cơ cao rơi vào trạng thái trầm cảm khi bước vào tuổi trung niên.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard thực hiện một cuộc khảo sát gần 6.000 người dân trưởng thành ở độ tuổi trung bình 50 - 56 trong vòng 2 năm.
Những người tham gia được yêu cầu hoàn thành bảng trắc nghiệm 9 câu hỏi về sức khỏe tâm thần, và về việc họ đã sử dụng phương tiện truyền thông xã hội nào. Lần đầu tiên thực hiện vào năm 2020 và lần thứ 2 vào năm 2021.
Kết quả cho thấy, chỉ trong vòng 1 năm, những người đang sử dụng ít nhất một mạng xã hội hoặc các nền tảng được ưa thích khác, chẳng hạn như Facebook, TikTok và Snapchat thường có cảm giác chán nản, buồn bã với cuộc sống hơn nhóm còn lại.
Trong công bố trên tạp chí y khoa JAMA Network Open tháng 10, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng ứng dụng tin nhắn Snapchat đứng đầu về nguy cơ gây trầm cảm. Tiếp theo là Facebook và TikTok.
Điều ngạc nhiên là những người trầm cảm lại thường có nhiều khả năng đăng nhập vào mạng xã hội hơn, có lẽ như một cách trốn thoát cảm giác buồn bã. Nhưng khi tham gia mạng xã hội, tình trạng này không thuyên giảm mà thậm chí nặng hơn.
Người ở độ tuổi trung niên dùng Snapchat, TikTok cho biết họ cảm thấy chán nản cao gần gấp đôi so với những người không sử dụng nền tảng chia sẻ ảnh và video này.
Trong khi đó Facebook lại khiến những người dưới 35 tuổi có khả năng cảm thấy chán nản cao hơn 2,5 lần so với hai ứng dụng còn lại.
Không rõ lý do chính xác tại sao các nhóm tuổi khác nhau lại có cảm giác chán nản khác nhau dựa trên nền tảng mạng xã hội mà họ sử dụng. Một giả thuyết cho rằng mọi người cảm thấy lạc lõng hơn khi sử dụng phương tiện truyền thông xã hội không phù hợp với độ tuổi của họ. Trong khi phần lớn người dùng Snapchat và TikTok dưới 35 tuổi thì Facebook có nhiều người dùng lớn tuổi hơn. Không chỉ thế, mạng xã hội cũng khiến người dùng rơi vào tâm lý so bì rồi chán nản, khi thấy bạn bè cùng độ tuổi thường xuyên chia sẻ cuộc sống giàu có an nhàn.
Phát hiện của nghiên cứu này gây bất ngờ vì nhóm người ở độ tuổi trung niên vốn được đánh giá là có sự chín chắn về suy nghĩ. Những trải nghiệm cuộc sống hồi trẻ giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn trước nhiều sự việc và cách hành xử đúng đắn trong nhiều tình huống hơn là nhóm người trẻ tuổi. Tuy thế, nghiên cứu vẫn còn hạn chế vì nó không đánh giá được mức độ sử dụng mạng xã hội và loại nội dung họ đang truy cập.
Các chuyên gia tâm thần học cho rằng việc sử dụng mạng xã hội (bao gồm thời gian sử dụng và nội dung truy cập) cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy một người đang bị trầm cảm hoặc mức độ nguy cơ bị trầm cảm.
Phát hiện này bổ sung vào các nghiên cứu trước đây về việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và sức khỏe tâm thần ở những người trẻ và lớn tuổi.
Các nền tảng truyền thông xã hội đang dần bị lên án trong những năm gần đây, vì những ảnh hưởng tiêu cực mà chúng gây ra đối với sức khỏe tinh thần và hình ảnh cơ thể của mọi người, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên và trẻ nhỏ.
Chính phủ các quốc gia đã nhiều lần kêu gọi những gã khổng lồ trong lĩnh vực truyền thông xã hội làm nhiều hơn nữa, để bảo vệ người dùng của họ khỏi nội dung có thể gây hại và tránh lạm dụng ẩn danh.
Mặc dù thế, theo các chuyên gia thì điều cốt lõi nằm chính ở chúng ta. Giới hạn thời gian sử dụng hoặc lựa chọn ứng dụng và nội dung phù hợp là một cách hữu ích để “theo kịp thời đại” nhưng không ảnh hưởng đến tinh thần mỗi người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận