Anh Trần Thăng Khoan sinh sống tại Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). 7 năm qua, hình ảnh người đàn ông chống hai tay xuống đất để... bò xen qua đám đông, thỉnh thoảng cầm lấy tờ giấy thông tin về một đứa bé, hỏi xem có ai nhìn thấy không đã trở nên quen thuộc với người dân đất nước này.
Nhìn lại nhiều năm về trước, khi còn là một đứa trẻ, Anh Trần đã không thể di chuyển được bình thường như bao người, mà chỉ biết bò. Đôi chân bị biến dạng đã khiến mọi thứ dường như khó khăn hơn hết thảy với cậu bé. Tuy nhiên, anh không ngừng nỗ lực để có thể tự nuôi sống bản thân. Năm 20 tuổi, Trần được nhận vào làm tại một nhà máy gần nhà.
Ít lâu sau, anh quen và kết hôn với vợ hiện tại, cũng là một người khuyết tật. Con trai đầu lòng của cặp đôi ra đời vào năm 2013 trong niềm hạnh phúc vô bờ của đôi vợ chồng trẻ. Đứa bé được đặt tên là Trần Đào Nguyên, vô cùng khỏe mạnh và đáng yêu, khiến cuộc sống của cả hai thêm phần khởi sắc.
Ngày 02-01-2015, cánh cửa hạnh phúc đang hé mở ấy bất ngờ đóng sầm lại khi Đào Nguyên mất tích ngay trước cửa nhà. Đứa con trai của anh đã bị ai đó đem đi mất. Trần khi đó đang làm việc nhanh chóng bò về nhà tìm kiếm, cho mãi đến giờ đã 7 năm trôi qua, mọi thứ vẫn bặt vô âm tín.
Không một manh mối nào, kể cả hình ảnh từ camera giám sát, anh Trần từng có lúc tuyệt vọng đến không tưởng. Thời gian đầu con mới mất tích, người đàn ông một mình bò quanh thành phố Trạm Giang để đăng thông báo tìm ở tất cả những nơi có nhiều người qua lại. Chốc chốc, anh lại hỏi quanh những người gặp trên đường.
Anh tìm đến đài truyền hình địa phương, hội người khuyết tật để mau chóng tìm ra tung tích con mình. Mỗi khi nơi nào có tin báo, anh lại lập tức lên đường xác thực. Thế nhưng thất vọng cứ ập xuống khi anh đến nơi, bởi đứa bé đó không phải Đào Nguyên.
Chẳng ai ngờ, anh Trần đã băng qua gần nửa vòng đất nước khi từng "đặt tay" đến Bắc Kinh, Nam Kinh, Hà Bắc, Sơn Đông... trong suốt những năm qua. Số tiền tiết kiệm cứ thế vơi dần. Anh vừa đi tìm con, vừa cố gắng làm việc để có thêm lộ phí. Thông thường, người cha này cứ đi khoảng 10 ngày rồi trở về nhà.
Trong suốt hành trình tìm con của mình, anh Trần nhận không ít lời chế giễu, thậm chí có người còn cay độc nói anh "làm màu". Tuy nhiên, anh vẫn hi vọng có thể nhìn thấy con trai mình một lần nữa trên đời khi những lời động viên và hỗ trợ vẫn luôn ở quanh. Nhiều mạnh thường quân biết chuyện, đôi lúc giúp đỡ bữa ăn, nước uống hay ủng hộ ít lộ phí, chỗ ở để anh có thể an tâm đi tìm con.
Anh Trần từng gặp ác mộng, thấy Đào Nguyên tìm về và nhắn "bố không muốn tìm con". Nhưng giờ anh đã mơ thấy hình ảnh hai bố con ôm nhau hạnh phúc, nên chưa muốn dừng lại hành trình tìm con, dù ảnh hưởng COVID-19 và áp lực từ phía gia đình nhỏ của mình. Nhiều năm trôi qua, Trần và vợ đã có thêm hai đứa con, một con trai và một con gái. Dù vậy, tình cảm dành cho Đào Nguyên vẫn luôn ở đó, khi mỗi dịp sinh nhật con, anh thường mua chiếc bánh nhỏ để mừng cho bé.
Chưa biết bao giờ Trần mới có thể gặp lại Đào Nguyên, thế nhưng câu chuyện của anh đã trở thành chủ đề được nhiều người ngưỡng mộ khi ý chí và nguyện vọng vẫn luôn trong người đàn ông khuyết tật, bất chấp đã gần một thập kỷ trôi qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận