● Nghi ngờ bị ngưng thở lúc ngủ, nhân mùa dịch COVID tôi định đầu tư luôn bộ đo SpO2 chất lượng. Một công đôi việc, có nên?
H.Thìn (Bến Tre)
- Giảm oxy máu là hậu quả đáng lo nhất của OSA. Đo SpO2 có thể gián tiếp làm lộ mặt OSA. Vấn đề là OSA xảy ra trong giấc ngủ, lắt nhắt từng cơn, nên máy đo vừa phải, vừa có chức năng lưu, sáng dậy đọc kết quả còn phải có chuyên môn.
● Tôi bị ngưng thở lúc ngủ, với AHI cao. Phải điều trị căng. AHI vai trò gì? Tương đương chỉ số SpO2?
N.Thảnh (TP.HCM)
- AHI đại để là số lần ngưng thở mỗi giờ trong giấc ngủ. Một lần ngưng thở được tính dài hơn 10 giây. AHI là chỉ số trực quan để lường mức nặng nhẹ của OSA. Mỗi đêm 5 - 15 cơn là nhẹ, 15 - 30 là trung bình, và >30 là nặng. AHI được đo qua đa ký giấc ngủ.
● Tôi được chẩn đoán ngưng thở lúc ngủ dạng CSA. Theo tìm hiểu thì CSA nhẹ hơn OSA?
G.Thảnh (Quảng Nam)
- Cả thảy có 3 loại: Ngưng thở tắc nghẽn (OSA), trung ương (CSA) và hỗn hợp (MSA). OSA hay gặp hơn cả. OSA là chuyện của giàn thừa hành, còn CSA là mắc mứu của hệ điều hành hô hấp. Dễ hiểu thì do não lười “thở”, do gặp chuyện ở trung khu hô hấp. Đến thở còn không ra hồn thì không thể nhẹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận