Showbiz muôn màu

Nghề 'có tiếng, không có hình' - Đòi hỏi đam mê và một chút 'điên'

TRAI ÚC

Đăng lúc 10:37 | 06/07/2025

Lồng tiếng phim ở Việt Nam là công việc đòi hỏi đam mê, sáng tạo và đôi khi cả một chút 'điên'.

Qua chia sẻ của hai "phù thủy lồng tiếng" Đạt Phi và Đặng Hoàng Khuyết, hãy cùng Tuổi Trẻ Cười khám phá thế giới sau cánh gà của những người "bán giọng nuôi nghề".

Nghề "bán giọng" đầy duyên nợ

Nghề diễn viên lồng tiếng phim ở Việt Nam khởi đầu từ những năm 1960, khi các bộ phim nước ngoài lần đầu xuất hiện tại rạp chiếu bóng ở TP.HCM. Lúc ấy, lồng tiếng còn là hình thức thủ công. Diễn viên phải đứng trong phòng thu chật chội, vừa nhìn màn hình mờ nhòe vừa khớp khẩu hình từng nhân vật.

Đến thập niên 1990, khi phim Hong Kong TVB và ATV tràn ngập màn ảnh nhỏ, công việc lồng tiếng bỗng trở thành nghề "hot". Những giọng nói như Đạt Phi - người từng khiến khán giả phát cuồng với các vai kiếm hiệp - đã trở thành ký ức không thể phai của nhiều thế hệ.

Đạt Phi (sinh năm 1968) kể lại, năm 1987, anh thi vào khoa diễn viên đầu tiên của trường Điện ảnh Việt Nam tại TP.HCM, cùng với Lý Hùng, Diễm Hương, Lê Tuấn Anh... Song cảm thấy bản thân "không đủ sắc" để làm diễn viên, nên Đạt Phi rẽ sang công việc lồng tiếng từ năm 1994, và gắn bó với nghề cho đến hiện tại.

Đạt Phi xem lồng tiếng như một nghệ thuật hóa thân. "Không chỉ là nói, mà phải sống cùng nhân vật", anh chia sẻ. Trong khi đó, Đặng Hoàng Khuyết, từ một kỹ sư hóa học lương nghìn đô cảm thấy "chán", và chuyển sang lồng tiếng phim, lại thấy... vui vui! Anh là giọng nói của Satoshi (Pokémon), Nobita, Conan... gắn liền với tuổi thơ của hàng triệu khán giả. "Tôi tìm thấy chính mình qua từng câu thoại và thoải mái với công việc mỗi ngày", Hoàng Khuyết tâm sự.

"Điên" một chút mới được!

Lồng tiếng không dành cho người trầm tính hay thiếu sáng tạo. Đạt Phi hài hước: "Muốn làm nghề này, phải có chút "điên" trong người". Hét như siêu nhân, khóc như công chúa, cười như ác quỷ - tất cả đều phải tự mày mò. "Có ngày tôi phải lồng tiếng một bà mẹ khóc vì mất con, 5 phút sau lại vào vai quái vật gầm rú. Cảm xúc cứ thế "quay xe" liên tục, không "điên" không được", Đạt Phi kể.

Nghề này đòi hỏi năng khiếu bẩm sinh, khả năng diễn xuất qua giọng nói và tình yêu mãnh liệt. Đặng Hoàng Khuyết cho hay: "Giọng đẹp, phát âm chuẩn chưa đủ. Bạn cần kiên nhẫn và sự linh hoạt". Anh kể, thời mới vào nghề, anh từng dành hàng giờ luyện giọng, học cách thay đổi tông giọng để phù hợp với từng nhân vật, từ cậu bé nghịch ngợm đến ông cụ già nua.

Thời trước, thu âm bằng betacam, chỉ cần một người sai nhịp là cả nhóm làm lại từ đầu, nếu không cẩn thận và trí nhớ thật tốt thì khó trụ nổi với nghề.

Ngoài ra, khả năng làm việc dưới áp lực cũng là yếu tố sống còn. "Có lúc phải thu 20 tập trong hai ngày, vừa nói vừa run, nhưng vẫn phải khớp từng giây", Khuyết nhớ lại.

lồng tiếng - Ảnh 1.

Đặng Hoàng Khuyết từ kỹ sư chuyển sang nghề lồng tiếng được hơn 13 năm. Anh là người nói tiếng Việt cho Nobita, Conan, Shin... Ảnh: NVCC

"Làm vì đam mê, tiền để... từ từ tính"

Nói đến cát sê, Đạt Phi và Đặng Hoàng Khuyết đều cười xòa: "Nghề này không giàu nổi đâu". Theo Đạt Phi, năm 2000, anh nhận 145.000 đồng/tập phim truyền hình 45 phút sau thuế, nhưng nay mặt bằng chung chỉ còn khoảng 100.000 đồng/tập. Dân thâm niên như anh thì được 135.000 đồng. Phim điện ảnh nước ngoài "sang" hơn, cát sê có thể cao gấp 10 lần, nhưng đổi lại là áp lực khủng khiếp, khi phải khớp từng khung hình vì được chiếu trên màn hình lớn. Mỗi vai casting 2 - 3 người có chất giọng tương đương với nhân vật gốc, sau đó gửi thông tin qua nhà sản xuất ở nước ngoài để họ chọn màu giọng phù hợp.

Đặng Hoàng Khuyết thì tính cát sê theo kiểu: phim hoạt hình 30.000 đồng/phút, phim Netflix 15.000 - 20.000 đồng/câu. Đỉnh điểm anh lồng tiếng 700 câu cho một bộ phim. Còn phim điện ảnh thì vô giá, tùy theo mức độ đầu tư của tác phẩm.

Theo Đạt Phi, phần lớn diễn viên lồng tiếng hiện nay đều xem đây là nghề tay trái để thỏa đam mê, bởi thu nhập không ổn định. "Đa số các bạn có công việc chính như nhân viên văn phòng, kinh doanh... Rảnh lúc nào thì tranh thủ đến phòng thu lúc đó. Nghề này không làm theo giờ hành chính nên khá linh hoạt", anh chia sẻ.

Để sống được với nghề lồng tiếng, theo Đạt Phi, đòi hỏi diễn viên phải thật sự giỏi, được nhiều ê kíp săn đón. Tuy nhiên, cơ hội nghề đang mở ra với các ứng dụng phim trả phí như Netflix... Theo Đặng Hoàng Khuyết, đây là mảnh đất màu mỡ cho các diễn viên lồng tiếng, vì nhu cầu khá cao và mức cát sê cũng tốt hơn.

Hạnh phúc từ những điều nhỏ bé

Dù cát sê không nhiều, niềm vui lại là thứ giữ chân các diễn viên lồng tiếng. Đạt Phi kể: "30 năm làm nghề tôi chưa từng thấy chán. Mỗi ngày là một vai mới, một cảm xúc mới". Anh nhớ mãi lần đi mua xôi, bà bán hàng nghe giọng anh cứ ngỡ tivi đang phát. "Có lần lồng tiếng cho nhân vật hoạt hình, tôi nhận được thư của một bé fan. Bé viết: "Cháu thích giọng chú lắm, lớn lên cháu cũng muốn làm như chú". Lúc đó, tôi hạnh phúc đến rơi nước mắt", Đạt Phi bộc bạch.

Đặng Hoàng Khuyết thì tự hào vì được sống với đam mê. "Lồng tiếng cho phim Netflix, khán giả khen, tôi thấy công sức bỏ ra đáng giá", anh nói.

lồng tiếng - Ảnh 2.

Đạt Phi được mệnh danh là "phù thủy lồng tiếng", gắn bó với nghề hơn 30 năm. Ảnh: NVCC

"Cảm xúc là thứ không thể lập trình"

Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tạo giọng nói nhân tạo, đe dọa công việc của diễn viên lồng tiếng. Nhưng Đạt Phi lạc quan: "AI không thay được cảm xúc con người đâu". Ngược lại, các nền tảng streaming và nhu cầu nội dung đa ngôn ngữ đang mở ra cơ hội lớn. "Giờ không chỉ lồng phim, tôi còn làm trò chơi, podcast... Nếu linh hoạt thích nghi, nghề này vẫn sống tốt", Khuyết bày tỏ.

"AI có thể bắt chước giọng người, nhưng chưa thể "khóc" một cách đau đớn hay "cười" một cách xảo trá như con người thật. Cảm xúc vẫn là thứ không thể lập trình", Đạt Phi nói.

Nghề lồng tiếng là hành trình của đam mê và tài năng. Với Đạt Phi, Đặng Hoàng Khuyết, chỉ cần một căn phòng nhỏ, một chiếc micro và một tình yêu lớn - là đủ để sống với hàng nghìn nhân vật khác nhau. Có thể họ "không có hình", nhưng giọng nói của họ sẽ mãi in đậm trong ký ức khán giả qua từng vai diễn.

Góc khuất của nghề

Đạt Phi tiết lộ sự cạnh tranh trong nghề đôi khi rất khốc liệt. "Có nhóm phá giá, nhận hợp đồng rẻ bèo, những người làm nghề chân chính cay lắm", anh thở dài.

Đặng Hoàng Khuyết thì đối mặt với vấn đề sức khỏe. "Diễn viên lồng tiếng mà mất giọng là coi như mất luôn chén cơm", anh nói. Anh từng nghỉ một năm vì viêm thanh quản, phải luyện tập lại từ đầu. "Hét nhiều, khóc nhiều, giọng dễ tổn thương. Tôi phải uống nước ấm, tránh rượu bia, ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc", anh cười chia sẻ.

Nghề “có tiếng, không có hình” - Ảnh 3.Nam ca sĩ Việt từng nổi đình đám giờ gội đầu mưu sinh ở Mỹ Nghề “có tiếng, không có hình” - Ảnh 4.Hoài Lâm trở lại nhưng lượt xem lẹt đẹt, vì đâu nên nỗi? Nghề “có tiếng, không có hình” - Ảnh 5.Danh tính vợ sắp cưới của 'bé An' Đất phương Nam
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
X
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Tin mới SHOWBIZ MUÔN MÀU