Có rất nhiều giả thuyết như chiến tranh hạt nhân toàn cầu, va chạm của thiên thạch khổng lồ, không khó để tưởng tượng số phận của con người trên Trái đất, tương tự như sự biến mất của loài khủng long cách đây 65 triệu năm vậy.
Điều này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Những thảm họa khác nhau sẽ tạo ra những điều kiện của “ngày tận thế” khác nhau để những quần thể con người còn sống sót có thể tiếp tục sinh tồn. Ví dụ, giả thuyết một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể tạo ra “mùa đông hạt nhân” - khái niệm được dùng để chỉ kết quả giả định sau chiến tranh hạt nhân - khiến nhiệt độ trái đất giảm đột ngột và duy trì trong thời gian khá dài.
Những người sống sót phải đối mặt với nhiệt độ xuống mức rất thấp và tình trạng thiếu thốn thức ăn, chưa kể đến việc phơi nhiễm phóng xạ. Do đó số lượng người may mắn có thể sống sót sẽ là rất nhỏ.
Cameron Smith, giáo sư Khoa Nhân chủng học tại Đại học Bang Portland (Oregon, Hoa Kỳ) cho rằng một lượng dân số nhỏ, chỉ khoảng vài trăm, sẽ đảm bảo quần thể này cơ hội tồn tại trong suốt nhiều thế kỷ sau đó, thậm chí là lâu hơn. Điều này tương tự như những quần thể người trong giai đoạn đầu của thời kỳ đồ đá mới (khoảng 12.000 năm trước).
Tuy nhiên, giáo sư Smith cho rằng với một quần thể chỉ vài trăm người, vấn đề sẽ không chỉ là về thức ăn, nơi ở,… mà duy trì nòi giống và phát triển tộc đàn cũng là một thách thức rất lớn. Các quần thể nhỏ sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu sự đa dạng di truyền, dẫn tới di chứng của hôn nhân cận huyết hoặc kết hợp giữa các cá thể có quan hệ họ hàng gần.
Hậu quả của hôn nhân cận huyết có thế thấy rõ qua sự sụp đổ của triều đại Habsburg, triều đại cai trị Tây Ban Nha trong thế kỷ 16 và 17. Triều đại này thường xuyên duy trì hôn nhân giữa các thành viên trong gia đình mãi cho đến năm 1700, khi vua Charles II, dòng dõi cuối cùng của hoàng gia bị vô sinh và mắc dị tật ở mặt.
Điều này mang tính quyết định sống còn đối với tương lai của loài người, trừ khi họ có đủ đa dạng di truyền để tránh hôn nhân cận huyết. Do vậy, con số giả định là vài trăm người sống sót có thể “vực dậy” cả một chủng loại là điều không tưởng.
Khi nhìn nhận về nguy cơ thảm họa toàn cầu xảy ra, nhiều chuyên gia cho rằng chúng ta cần “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Bằng cách ngăn chặn các thảm họa tiềm tàng có thể xảy ra, chẳng hạn như trong trường hợp chiến tranh hạt nhân, cần đảm bảo mối quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Trong tình huống giả định mà con người buộc phải “tha hương” đến một thiên thể hoặc hành tinh nào đó để tránh viễn cảnh ngày tận thế, vậy số người tối thiểu cần thiết để sống sót trong không gian là bao nhiêu?
Theo một nghiên cứu về nhân chủng học được công bố trên Tạp chí Journal of the British Interplanetary Society, do Frédéric Marin, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Strasbourg, Pháp, thực hiện năm 2018, thì chỉ cần một nhóm 98 người là đủ cho một cuộc hành trình kéo dài 6.300 năm (du hành trong một tàu vũ trụ giả định có tốc độ nhanh nhất mà công nghệ hiện tại có thể tạo ra) tới Proxima Centauri b, một hành tinh ngoài hệ mặt trời cách chúng ta khoảng 4,2 năm ánh sáng.
Proxima Centauri b quay quanh sao lùn đỏ Proxima Centauri, ngôi sao gần nhất với hệ Mặt Trời, được cho là một hành tinh có thể sống được gần giống với Trái Đất.
Nhóm phi hành đoàn giả định tới Proxima Centauri b bao gồm 49 cặp nam nữ không có quan hệ di truyền và sẵn sàng truyền lại gen của họ. Quần thể này sẽ chỉ đa dạng về mặt di truyền và khỏe mạnh theo thời gian trong những điều kiện nhất định. Do đó, việc tạo ra thế hệ sau sẽ phải được giám sát nghiêm ngặt và hạn chế.
Theo nhà vật lý Marin, 98 người là con số tối thiểu, dĩ nhiên một nhóm gồm khoảng 500 người có thể sẽ là sự lựa chọn an toàn hơn. Không nên sử dụng số lượng tối thiểu một cách tuyệt đối trong các sứ mệnh không gian bởi lẽ con người luôn cần các phương án dự phòng trong trường hợp bất ngờ.
Đây không phải câu hỏi chỉ để cho vui mà thực sự là đề tài nghiên cứu khoa học. Tương tự như sự biến mất của loài khủng long cách đây 65 triệu năm, số phận của con người trên Trái đất thực ra rất mỏng manh, không ai có thể nói trước.
Bởi vậy, việc đặt ra các giả định và chuẩn bị trước phương án phòng bị từ lúc này là điều cần thiết để đảm bảo sự tồn tại của giống loài, nếu chẳng may “ngày đó” xảy ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận