Gia đình nhà Eilbeck, gồm Zoe và Guy Eilbeck cùng hai cậu con trai Cam, Max, đã nhận nuôi Pipsqueak - một nàng chó thuộc nòi dachshund, gọi trìu mến là Pip, khi chiếc du thuyền của họ ghé vào Messina ở Sicily, nước Ý, hồi năm 2018.
Chuyến vòng quanh thế giới trên du thuyền của họ đã phải tạm dừng đột ngột sau khi họ cập bến ở đảo Hilton Head, bang Nam Carolina, Hoa Kỳ, hồi tháng 3 năm nay, do đại dịch CoVID-19 bùng phát, khiến một số biên giới quốc tế bị đóng cửa.
Khi đó, cả nhà Eilbecks chỉ có 48 giờ để… bay gấp về nhà mình ở Sidney, bên Úc, trước khi biên giới Úc đóng cửa. Trong hoàn cảnh gấp gáp ấy, em cún Pip không thể đi cùng chuyến bay với họ, do các quy định nghiêm ngặt của Úc đối với việc nhập khẩu động vật. Vật nuôi cần có các giấy xác nhận của chính phủ Hoa Kỳ về tình trạng sức khỏe tốt, và đã được xét nghiệm bệnh dại.
Gia đình Eilbecks rời khỏi Hoa Kỳ vào ngày 27-3-2020, gởi Pip ở lại với một người bạn tên Lynn Williams, ở Bắc Carolina.
Do đang nuôi… nhiều con chó khác, Williams đã đăng một quảng cáo để tìm một ngôi nhà tạm thời khác cho Pip. Vì vậy, từ ngày 4-4, cô chó nhỏ đã được chuyển tới sống với Ellen Steinberg ở Hillsborough, Bắc Carolina, rồi lại… chuyển đến nhà của Stacey Green, vì Steinberg phải rời thị trấn để thăm gia đình ở nơi khác.
Bên Úc, nhà Eilbecks đã có được giấy phép nhập khẩu cho Pip, nhưng cùng lúc đó hãng hàng không Qantas lại thông báo… tạm ngừng dịch vụ vận chuyển động vật trên các chuyến bay chở hàng của họ.
Zoe Eilbeck đã tìm ra một giải pháp khác: ký hợp đồng với công ty vận chuyển vật nuôi Jetpets của Úc, để nhập khẩu Pip vòng qua… New Zealand. Tuy vậy, kế hoạch này đòi hỏi nàng chó dachshund phải khởi hành từ... Los Angeles bên Hoa Kỳ, chứ không phải từ bang Bắc Carolina.
Nhà Eilbeck đã đăng thông báo trên mạng xã hội để tìm “ai đó bay xuyên quốc gia”, có thể giúp đưa Pip tới Los Angeles, vì hầu hết các hãng hàng không Hoa Kỳ đều đình chỉ vận chuyển thú cưng trên các chuyến bay chở hàng từ tháng 5 đến tháng 9.
Từ tổ chức cứu hộ chó The Sparky Foundation, cô Melissa Young đã đáp ứng “lời cầu cứu” của gia đình Eilbecks, tình nguyện đem Pip theo cô đến Los Angeles, để trao Pip cho công ty Jetpets.
Khi Pip đã lên máy bay, tất cả những người chăm sóc tạm thời của em cún, cùng cả nhà Eilbecks, đều theo dõi chuyến bay của Pip vượt đại dương. “Trên toàn thế giới, chúng tôi đang theo dõi chuyến bay ấy, từng inch một, trên màn hình.” - Zoe nói.
Khi tới thành phố Auckland, New Zealand vào ngày 23-7, Pip đã bị cách ly qua đêm trước khi đáp chuyến bay tới Melbourne bên Úc, nơi cô bé bị đưa vào… diện cách ly bắt buộc 10 ngày.
Sau đó, Pip được "thông quan" để có thể bay tới Sydney trong chuyến bay ngày 3-8. Tuy vậy, cuộc trớ trêu vẫn giở trò… trêu ngươi, vì chuyến bay ấy... bị huỷ, khi làn sóng Covid-19 thứ hai bất ngờ bùng phát nên bang Victoria đóng cửa biên giới với New South Wales.
Rob Eilbeck, anh trai của Zoe, đã đưa Pip về nhà mình ở Melbourne trong vài ngày, sau đó liên tục đặt vé cho nhiều chuyến bay khác để đưa Pip tới Sydney. Kết quả: tất cả các chuyến bay đó vẫn tiếp tục bị huỷ.
Câu chuyện “kiếp nạn nhiều tập” của Pip đã được đăng trên báo Sydney Morning Herald, thu hút sự chú ý của lãnh đạo hãng hàng không Virgin Australia, và họ quyết định giúp đưa Pip về nhà.
Cuối cùng, em cún “trần ai khoai củ” ấy đã tới được sân bay Sydney vào ngày 11-8, sau 5 tháng bị bỏ lại bên Hoa Kỳ. Gia đình Eilbecks đã có một cuộc đoàn tụ đầy xúc động với thú cưng của mình.
“Cô bé là một phần của gia đình chúng tôi, và năm tháng qua đã là một thời gian dài để nhớ về bất kỳ ai, giữa đại dịch.” - Guy Eilbeck nói vậy, khi cám ơn lãnh đạo hãng Virgin, Australia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận