Một nhóm các chuyên gia về thủy canh từ Đại học Sheffield đã làm việc với những người tị nạn ở Jordan để tạo ra “khu vườn giữa sa mạc” bằng cách sử dụng mút xốp từ nệm cũ đã qua sử dụng.
Tại trại tị nạn Zaatari, nhóm nghiên cứu do giáo sư Tony Ryan đứng đầu đã làm việc với cư dân nơi đây và trồng cây tiêu, cà chua, cà tím và bạc hà.
Loại chất liệu đặc biệt tưởng như vô dụng này giúp cố định rễ cây và phát triển trong một dung dịch giàu dinh dưỡng. Hạt giống sẽ được gieo trong mút xốp và lớn lên ở trong đó.
Giáo sư Ryan cho biết, công nghệ này sẽ là một giải pháp hữu hiệu để tạo ra những khu vườn “phát triển bền vững” trên thế giới và giúp cây trồng sinh trưởng ở những vùng đất cằn cỗi.
Những tấm nệm được nhóm nghiên cứu sử dụng là do nhân viên cứu trợ bỏ lại sau khi rời khỏi trại tị nạn.
Trong những thí nghiệm thủy canh thực hiện tại đại học Sheffield và Trung tâm Grantham cho thực phẩm bền vững, các nhà khoa học sử dụng mút xốp để điều chỉnh sự phát triển của rễ trong các thí nghiệm thủy sinh tiến hành trong phòng thí nghiệm.
Nhiều nhà nghiên cứu hợp tác với người tị nạn ở trại cũng là những nông dân có kinh nghiệm. Đội ngũ nói rằng họ đã học hỏi lẫn nhau rất nhiều.
“Những người tị nạn hợp tác cùng chúng tôi đã trải qua nhiều bài huấn luyện và họ cũng đã có những dự án riêng. Trồng trọt ở sa mạc đã không còn là một giấc mơ viển vông khi sử dụng những vật liệu tái chế.” – Giáo sư Ryan nói.
“Mọi thứ vẫn đang ở điểm xuất phát. Những người tị nạn và hoàn cảnh sống của họ dạy chúng tôi về tương lai đầy tiềm năng của mình.” – Ông nói thêm.
Nhóm nghiên cứu đã xây dựng một “khu vườn sa mạc” tại trại tị nạn ở Jordan. Tuy nhiên, mục tiêu của họ là phát triển dự án một cách bền vững hơn, cũng như mang nó đến nhiều nơi khác trên thế giới.
Nhóm hy vọng sẽ gây được nguồn quỹ £250.000 (khoảng 6 tỷ đồng) cung cấp hạt giống, dinh dưỡng và tổ chức những buổi huấn luyện cho 3000 người tị nạn. Trước đó, 1000 người tị nạn đã được họ giúp đỡ để tiếp cận phương pháp trồng trọt này.
Dự án sẽ tạo ra nguồn cung ứng nông sản sạch vô tận cho những gia đình bị sơ tán vì chiến tranh tại những vùng đất khắc nghiệt nhất trên thế giới.
Tiến sĩ Moaed Al Meselmani, quản lý của dự án Khu vườn sa mạc chia sẻ: “Bản thân tôi cũng là một người tị nạn từ Syria. Và bây giờ, tôi mong rằng mình có thể giúp đỡ những người có hoàn cảnh giống như tôi học được những kỹ năng mới, để gia đình họ cũng có rau quả và gia vị tươi sạch trong bữa ăn.Dự án này sẽ liên kết mọi người về quê hương, giúp họ có thêm hy vọng về tương lai.”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận