Các nhà khoa học đã cảnh báo: khi bạn say giấc nồng, thì có những kẻ ẩn náu trên giường hoành hành và làm hại bạn!
Kẻ quấy rối số 1:rệp giường!
Ai đã từng bị cảnh đêm đêm đang ngủ say, thì sực tỉnh bởi một cú “cắn” đau nhói? Chắc chắn có nhiều bạn “thấu” nỗi đau này! Sáng hôm sau, vết cắn đó tấy đỏ và ngứa. Thủ phạm là loài rệp. Mỗi con rệp cư ngụ nơi giường ngủ của bạn rất phàm ăn, nó có thể cắn và hút máu 500 lần một đêm! Nếu bạn có em bé ngủ trên chiếc giường có rệp, thì làn da mỏng manh của em bé sẽ tạo cơ hội cho bọn rệp tha hồ cắn và hút máu. Nếu bé bị rệp cắn thường xuyên, sẽ gây thiếu máu. Chưa kể loài rệp có khả năng mang và lây nhiễm loại ký sinh trùng Trypanosoma cruzi gây bệnh Chagas- một bệnh dẫn tới viêm cơ tim cấp tính.
Tên đáng ghét số 2: mạt bụi giường!
Mỗi chiếc giường của chúng ta chứa sơ sơ…100.000 đến 10 triệu con mạt bụi. Khác với lũ rệp, con mạt bụi không hút máu, mà ăn những tế bào da chết của chúng ta. Da chết ở đâu ra? Ở tay, chân, thân mình của bạn bong ra mỗi ngày, là nguồn thực phẩm vô tận cho mạt bụi. Nghe vậy bạn khoái chí, tưởng chúng là “công nhân vệ sinh”, giúp chúng ta dọn dẹp những tế bào da chết bé tí. Nhưng không phải vậy, những con mạt bụi sau khi ăn da chết của bạn, chúng bắt đầu tuôn…chất thải ra giường! Mỗi ngày chúng “đi vệ sinh” tới 20 lần, nếu bạn hít phải mùi chất thải của chúng có thể bị hen suyễn, dị ứng.
Kẻ nguy hiểm số 3, 4:nấm mốc và nấm Aspergillus Fumigatus
Thời tiết ẩm ướt, nhà ẩm thấp là môi trường thích hợp cho loài nấm mốc Cladosporium (có màu xanh hoặc nâu đen) phát triển trên vạt giường, trong những khe nhỏ ở khung giường. Nếu bạn hít phải bào tử của loài nấm mốc này, có thể gây ra viêm phổi, hen suyễn. Nấm Cladosporium còn có thể gây bệnh nấm da và nấm móng cho bạn nữa.
Nấm Aspergillus Fumigatus sống ở loại drap trải giường có chất liệu tổng hợp. Khi bạn có hệ miễn dịch suy yếu, lại hít phải bào tử nấm Aspergillus, chúng có thể chạy vào phổi rồi theo máu lên não mà gây bệnh.
Kẻ thù quen thuộc số 5: con chấy (chí)
Tóc trẻ em chứa nhiều chất dinh dưỡng, là môi trường lý tưởng mà họ nhà chấy (con chí) rất khoái cư ngụ, ăn ở sinh sản trên đầu người. Chúng hút máu người để sống, rồi lại “đi vệ sinh” ngay trên đầu chúng ta, gây ngứa ngáy. Trẻ dùng móng tay gãi làm xước da, rất dễ nhiễm trùng da đầu. Mỗi con chấy có thể đẻ 200-300 trứng, trứng dính vào tóc, rơi trên giường, chấy bò sang đầu người khác, nên cơ hội lây lan rất cao, dù chúng chỉ sống có 30 ngày.
Trùm gian ác số 6: vi khuẩn E.Coli
Đi vệ sinh xong không rửa tay, là nguy cơ mang E.Coli lên giường. Các nhà khoa học đã tìm thấy E.Coli trên gối, trên nệm giường. Nếu đó là chủng E. Coli nguy hiểm, thì người bệnh sẽ có triệu chứng như cảm cúm. Tiếp đến chúng có thể xâm nhập vào não hoặc thận của người mà gây bệnh.
Trùm siêu độc số 7: siêu vi khuẩn MRSA
Các nhà khoa học đã tìm thấy siêu vi khuẩn MRSA (Methicillin-resistant Staphylococcus aureus) ở trong gối. Chúng có thể đi vào cơ thể khi bạn ngủ, và có những vết xước trên da. Nếu siêu vi này xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ gây nhiễm trùng huyết. MRSA có khả năng kháng thuốc rất cao, gần như đã nhiễm chúng thì không có khả năng điều trị.
Hoá chất dạng khí VOCs trong nệm giường
Yael Dubowski-giáo sư ở Viện nghiên cứu kỹ thuật Israel đã nghiên cứu 7 loại nệm khác nhau, và nhận thấy: nệm giường khi gặp thân nhiệt của người, thì tiết ra hợp chất hữu cơ dễ bay hơi- VOCs. Theo cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ, VOCs có thể gây tác hại trên mắt, mũi, làm ngứa cổ, nhức đầu…Một vài khí trong đó như benzen, acetaldehyt, formaldehyte có thể gây ung thư.
Tuy nhiên, ông Dubowski cũng trấn an chúng ta rằng VOCs tiết ra với một lượng rất nhỏ, nên cảnh giác với những trẻ nhỏ suy dinh dưỡng, bị bệnh, người lớn có bệnh mãn tính; còn người khoẻ mạnh thì...vô tư đi, đừng quá lo lắng!
Giữ gìn “thiên đường” của bạn
Để giường ngủ thực sự là “thiên đường” của chúng ta, thì cần chăm sóc nó đến nơi đến chốn. Đầu tóc, tay chân cần sạch sẽ khi lên giường “thăng thiên” một giấc. Hàng tuần tổng vệ sinh giường một lần. Nếu thời tiết ẩm ướt thì mang nệm ra ngoài trời nắng phơi. Đêm ngủ máy lạnh, sáng cần mở cửa phòng cho thông thoáng, tránh nấm mốc. Nếu giường có rệp phải trị tận gốc, bằng cách dội nước sôi, hoá chất…Bà con mình còn có kinh nghiệm đuổi rệp bằng mùi sầu riêng. Chỉ cần để vỏ sầu riêng dưới gầm giường, là bọn rệp kéo nhau đi hết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận