Tưởng đâu chuyện lòng heo chỉ quanh quẩn ở bếp núc, ai ngờ một ngày đẹp trời nó lại thăng hoa thành đề tài... "hót hòn họt" trên mạng xã hội. Nghiễm nhiên, cháo lòng - một món ăn dân dã cũng được "nhắc đến hơi bị nhiều" trong những ngày vừa qua.
Cháo lòng vốn không sang chảnh, cũng chẳng cao cấp. Chỉ là chút gạo nấu nhừ với nước luộc lòng, xương, thêm dăm ba miếng gan, dồi, phèo, tràng… Thứ tưởng bỏ đi lại hóa đặc sản.
Ai từng ăn cháo lòng sáng sớm ven đường, húp xì xụp trong cái lạnh đầu mùa, chắc sẽ hiểu vì sao món này không đơn thuần là món ăn, mà là một trải nghiệm tinh thần.
Nhưng nếu đặt ba tô cháo lòng từ ba miền Bắc - Trung - Nam cạnh nhau, bạn sẽ nhận ra cùng là lòng heo nhưng mỗi nơi lại có một cách... "đối xử" khác nhau.
Cháo lòng miền Bắc
Người miền Bắc ăn cháo nấu đặc, nhuyễn, không để nguyên hạt. Cháo được nấu từ nước dùng xương luộc và các nội tạng heo luộc khác như tim, gan, cật, lá lách, lòng non...

Người miền Bắc ăn cháo nấu nhuyễn, không để nguyên hạt.
Lưu ý, lòng luộc kỹ, thái mỏng, bày ra đĩa riêng, chấm với nước mắm pha ớt, chanh. Thông thường, cháo lòng miền Bắc đánh huyết tươi tạo màu nâu đặc trưng, ăn kèm thêm với lòng và dồi. Dồi được nhồi tiết, mỡ heo cùng rau răm, húng quế...
Cháo lòng miền Trung
Điểm nhấn của cháo lòng miền Trung là đĩa bánh hỏi đi kèm. Du khách thập phương đến vùng này đều rất bất ngờ khi tô cháo lòng thường được dọn kèm một đĩa bánh hỏi, với những lớp bánh mỏng xếp chồng lên nhau, thơm mùi gạo.
Ngoài ra, rau ăn kèm của cháo lòng miền Trung có thể là rau xà lách, bên cạnh hành lá và rau thơm theo kiểu truyền thống.

Món cháo lòng bánh hỏi trứ danh miền Trung khiến bất kỳ ai thưởng thức cũng phải "nhớ mãi không quên".
Một tô cháo lòng miền Trung luôn được dọn ra khi nóng hổi, sóng sánh (nấu sệt) nhưng vô cùng đậm đà, thoảng nhẹ vị cay của ớt xắt. Vài nơi như Huế có cháo lòng ăn cùng sa tế, tạo ra những vệt màu điều đỏ au trông rất hấp dẫn, hay Quảng Nam còn ăn cháo lòng cùng... trứng cút hay chuối chát.
Cháo lòng miền Nam
Sự khác biệt của cháo lòng miền Nam so với miền Trung hay miền Bắc cũng chính là những món ăn kèm theo. Một số nơi ở miền Tây, nổi tiếng như cháo lòng Cái Tắc, thực khách thường ăn cháo lòng với bún tươi. Một số chỗ như An Giang còn có thói quen ăn cháo lòng với giò cháo quẩy (mềm) hoặc bánh mì.
Theo lý giải của người xưa, cho bún, bánh mì hay giò cháo quẩy vào cháo vừa giúp cái bụng no kềnh, lại rẻ tiền. Nhưng quan trọng vẫn rất ngon!
Tô cháo miền Nam rất loãng so với cháo lòng miền Bắc, và không pha với huyết heo. Thông thường người ta sẽ trộn giá ăn kèm, điều không có ở cháo lòng miền Bắc.

Cháo lòng miền Nam ăn kèm với bún mới "đúng vị" - Ảnh chụp màn hình: Bếp của Vợ
Cháo lòng miền Nam không ăn cùng dồi huyết mà làm thịt dồi trong ruột heo, có lẫn vị sả bằm, có thể được chiên vàng. Thêm một điểm ấn tượng nữa là một tô cháo lòng thập cẩm đặc trưng của xứ này phải ngập trong topping, với tim, gan, phèo, cuống họng, huyết và mấy miếng dồi heo, chen ngập đám hành lá xanh um.
Tóm lại, dẫu cháo lòng ba miền mỗi nơi mỗi kiểu nhưng thực khách đã ăn một lần là nhớ, là thèm, là muốn ăn lại lần nữa. Bởi đây không chỉ là một món ngon mà nó còn mang trong mình nhiều giá trị tinh túy của ẩm thực từng vùng miền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận