Đường trong máu cao sẽ trào sang các thể dịch, kiến bu nước tiểu, mồ hôi, nước mắt và cả nước bọt... Cơ bản thì tiểu đường “mồm miệng ngọt ngào”, nhưng thực tế thứ đứng ra cáo giác nó lại là vị mặn và/hoặc bất kỳ trong ngũ vị đắng/cay/ngọt/mặn/umami, kể cả vị kim loại, vị aceton...
Rối loạn vị giác tiểu đường, căn cơ từ rối loạn thần kinh mà ra. Tiểu đường danh bất hư truyền tổn hại thần kinh vừa và nhỏ. Còn tại sao là vị mặn, đơn giản vì cái lưỡi của người tiểu đường đang “tẩu hỏa” với vị ngọt, nên các chư vị khác thừa cơ át vía.
Đường huyết cao vắt kiệt nước bọt gây khô miệng, thủ phạm lưỡi không xương nhiều đường lắt léo không nhất cũng nhì.
Việc vị mặn/chua chồm hổm trong miệng, do gai lưỡi bị “điếc” tạm thời với vị ngọt, còn mở ra một tai hại là người bệnh bị dỗ ngon dỗ ngọt ăn nhiều đồ ngọt không ai can gián.
Khô miệng và thường xuyên cảm thấy mặn, tanh trong miệng, có thể là gợi ý ngàn cân chẩn đoán sớm tiểu đường týp 2.
Với người bệnh thâm niên, cái lưỡi tiểu đường, nối thêm nỗi khổ nhạt thếch niềm vui ăn uống. Đa phần kẻ trước người sau, vị giác lao đao thì khướu giác cũng bần thần.
Toa thuốc điều trị tiểu đường có thể cần thêm vào mục chống rối loạn khứu /vị giác, mới thực toàn vẹn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận