"Xin chào mọi người, tôi là Lu Mama, hôm nay tôi đang làm... cho bọn trẻ" là cách mà Lu Aimei (59 tuổi, ở Trịnh Châu) thường bắt đầu các video nấu ăn của mình trên Douyin, nền tảng tương tự TikTok tại Trung Quốc.

"Bọn trẻ" là từ mà bà hay nói đến để nhắc về 2 đứa con trai của mình, là Zhu Xiaoqiang (39 tuổi) và Zhu Xiaomeng (29 tuổi). Xui rủi thay, cả hai anh em đều mắc bệnh ALS, một chứng bệnh gây xơ cứng teo cơ một bên, khiến hệ thần kinh không hoạt động ổn định, từ khi còn là những thiếu niên.
Trong khi đó, với những ai đang theo dõi bà, mọi người thường gọi bằng cái tên trìu mến là "Mama", với tất cả sự kính trọng dành đến người phụ nữ phi thường.
Trước đây, bà Lu Aimei quê ở Trú Mã Điếm (tỉnh Hà Nam), từng có một người chồng, nhưng ông bị điếc. Thỉnh thoảng, cuộc sống cực khổ của bà càng thêm bế tắc khi chịu cảnh ngược đãi từ chồng mình.
Năm 2012, bà quyết định bỏ trốn chồng, đem theo 2 người con của mình. Nhiều thập kỷ qua, bà là người duy nhất chăm sóc cho các con, khi thì là một người nông dân, lúc lại trở thành một kẻ hành khất trên đường.
Giờ đây, mọi thứ đã thay đổi khi bà Lu Aimei trở thành một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, với hơn 230.000 người theo dõi trên Douyin.

Nhớ lại những ngày xa xưa, bà từng có thời gian phải di cư cùng con trên chiếc xe kéo, xuống các tỉnh phía Nam để tránh mùa đông khắc nghiệt, vì bệnh nhân ALS không chịu đựng được cái lạnh lẽo. Năm 2017, Xiaoqiang bị nhiễm trùng phổi, khiến cuộc sống thường ngày càng thêm khó khăn khi anh này khó di chuyển được, buộc phải có nơi ở cố định.
Trong 2 năm qua, hơn 500 video về nấu ăn hàng ngày của bà đã được chia sẻ, thu hút gần 1 triệu lượt yêu thích. Thay vì khóc lóc hay cầu xin viện trợ, bà quay lại những nụ cười hạnh phúc của mình sau khi làm xong bữa cơm cho 2 con trai. Hình ảnh truyền cảm hứng của bà Lu khiến người xem không khỏi cảm kích, ngưỡng mộ.
“Một gia đình khó khăn như tôi không phải lúc nào cũng nên dành cả ngày để khóc. Chúng ta hãy hạnh phúc”, bà Lu chia sẻ.
Nụ cười của bà rất sảng khoái, chẳng gượng ép. Song song đó, bà cũng vui vẻ đút cho các con trai mình ăn, từng thìa một.

Bà cũng cho biết, Xiaomeng thường mất cả buổi chiều để có thể chỉnh sửa một đoạn video chỉ dài 1 phút. Còn riêng mình, bà mất đến 2 ngày chỉ để quay xong 1 chiếc clip, bởi vẫn còn khá vụng về.
Thậm chí, bà Lu cũng chẳng biết lấy nét. Đôi khi còn quên cả nhấn nút khởi động hoặc nhận ra điện thoại đã tắt ngúm từ bao giờ.
Bà thẳng thắn bày tỏ mong muốn được chú ý hơn để có thể bán được nhiều hàng hóa, có thêm tiền để chăm sóc "bọn trẻ" tốt hơn. Ngoài Xiaoqiang và Xiaomeng, bà Lu còn có một cậu con trai khác, 13 tuổi và hoàn toàn khỏe mạnh.
Xiaomeng nói trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình địa phương: "Mẹ là không khí và nước đối với chúng tôi. Có mẹ bên cạnh chúng tôi không có gì phải lo lắng. Tôi còn nghĩ mẹ mình như mặt trời vậy, đem đến cho chúng tôi ánh sáng và sự ấm áp".
Còn bà Lu, bà ví từng thành viên trong gia đình giống như "giá gỗ nâng đỡ lẫn nhau". Tuy nhiên, nó có thể gãy đổ bất cứ lúc nào nếu bất kỳ ai trong cả nhà gục ngã.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận