Hôm ấy là một ngày đầu Hè tháng 5 oi ả. Quỷ đỏ sắp có một cuộc tỉ thí với thành bang kình địch lâu năm Li-vơ-pun (Liverpool). Khỏi nói cũng biết thanh thế binh sĩ thành Man đang tăng lên vùn vụt khi vừa vùi dập mấy anh Roma ở La Mã cách đây ít ngày. Họ dự định “gạt giò” luôn Li-vơ-pun để anh hàng xóm Man-xì-tin (Manchester City) hết mộng đăng quang trong tuần này. Toan tính là thế nhưng cả đám binh lính đâu biết được một biến cố kinh thiên động địa sắp nổ ra, ngăn cản cuộc chinh phạt của họ.

Một canh giờ trước khi cuộc tỉ thí bắt đầu, dân chúng địa phương đã bao vây lấy tửu điếm Lâu-ri (Lowry), nơi đóng quân của thầy trò Sôn-sa (Ole Gunnar Solskjær) hòng ngăn binh sĩ ra trận. Một nhóm khác hung hãn hơn đột nhập vào tận xào huyệt thành Man, sân Old Trafford, để mà cướp phá.
Đang thời cô-vy, thành chủ Gờ-la-dơ (Glazer) đâu có nhiều tiền để mướn cấm binh. Thành ra cái sân rộng thênh thang, điểm mặt đâu được vài mống quân sĩ canh gác. Trước sự tiến công như vũ bão của hơn một vạn quân khởi nghĩa, mấy tay quân sĩ chống trả yếu ớt rồi cũng bỏ của chạy lấy người, “phó mặc cho trời” gia tài đồ sộ của nhà Gờ-la-dơ và đám tiểu tướng của ông.
Thầy trò Sôn-sa nghe tin sét đánh, liều chết mở một đường máu, chạy thẳng một mạch, từ tửu điếm Lâu-ri đến sân Old Trafford để giải vây cho thành chủ. Khi vào được sân, mặt người nào người nấy không còn một giọt máu. Một cảnh tượng hãi hùng bày ra trước mắt họ.
Kìa, dưới sân là dòng người lố nhố với pháo sáng ngút trời, không khác là mấy so với cảnh “lửa thiêu Xích Bích” năm nào. Trên khán đài, đám quân khởi nghĩa đã tràn ngập khắp nơi, từ phòng họp báo, phòng thay đồ, đến tư dinh của thành chủ Gờ-la-dơ. Đám người ấy đâu còn nói đến nhân nghĩa. Họ đi đến đâu, đồ đạc của cải đều nằm rạp dưới gót giày, đến cả cái cột cờ phạt góc cũng bị “bứng” đi, xem như một chiến lợi phẩm. Tướng sĩ thấy nguy cấp lắm, rủ nhau vào một căn buồng nhỏ tạm lánh nạn.
Giữa cảnh nước sôi lửa bỏng đó, phó tướng Mắc-gai sụp lạy rồi tâu với ngài Gờ-la-dơ:
- Bẩm ngài, tôi ăn bổng lộc của ngài đã lâu. Nay vận nước gặp hạn, nếu không ra tay phò giúp, há được gọi là người quân tử. Vậy tôi xin liều chết, một người một ngựa, xuống thương lượng với đám người khởi nghĩa kia. Biết đâu, họ vị nể tên tôi mà xuống nước, tha cho chúng ta một con đường sống.

Ngài Gờ-la-dơ nước mắt ngắn dài, đỡ Mắc-gai dậy mà nói:
- Thật rõ trong hoạn nạn mới biết tướng quân là bậc anh hùng. Nhưng ta thấy chúng đông và hung hãn lắm. Không chắc gì nói lí được đâu. Ngài là nhân tài của thành Man ta. Mất của cải ta kiếm lại được, chứ tính mạng của tướng quân quý giá ngàn vàng. Chớ nên mạo hiểm! Thôi thì cứ án binh bất động, chờ viện binh của triều đình Anh Quốc đến rồi hãy liệu.
Hai người sụt sùi chưa biết phải giải quyết thế nào thì bỗng quân khởi nghĩa cất hết gươm giáo và rút thật lẹ làng. Có vẻ họ đã nghe được tin cấm quân của triều đình đang trên đường tiến đến. Tuy nhiên, triều đình Anh Quốc không chỉ đến “dẹp loạn” mà họ còn mang đến một “trát” xử phạt thành Man. Muốn số phận thành Man sau cơn biến cố này ra sao, xin mời xem tiếp hồi sau sẽ rõ.
Lời bình:
Sự bất mãn của dân chúng với chính quyền Gờ-la-dơ đã xuất hiện ở thành Man trong nhiều năm qua. Sau vụ Ơ-rô-súp-pe-lít, câu chuyện tiếp tục “căng như dây đàn”. Tuy nhiên, kiểu khởi nghĩa này khó mà lật đổ được ngai vàng của nhà Gờ-la-dơ. Ngẫm ra, đó cũng chỉ là một cuộc nổi dậy bộc phát, thiếu người cầm đầu và cũng thiếu luôn một đường lối nhất quán. Thế mới có chuyện chỉ sau vài giờ, nó đã bị dập tắt.
Mặt khác, qua vụ “nổi loạn”, nhiều người dân ở những xứ khác, trước, đã ít nhiều kì thị “Man tộc”, nay lại càng có cớ hơn. Thiếu nhân nghĩa thì làm sao quy phục trăm họ?
Đó là chưa kể án phạt còn đang lơ lửng trên đầu thành Man. Thử nghĩ coi, nếu đội nhà bị trừ điểm nặng hay cấm tham gia Champions League thì chẳng phải lỗi cả ở đám người khởi nghĩa xốc nổi kia sao?
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận