Trong kịch, Lê Phương hóa thân vào hình tượng góa phụ Helen Ilving - một người phụ nữ có ý chí mạnh mẽ, từng vùng lên ra đi, bỏ lại người chồng trụy lạc để sống cuộc sống mình mong muốn.
Nhưng sau khi nghe lời khuyên của mục sư Manders, cô đã chấp nhận ở lại, sống cuộc sống bị giới hạn trong hai chữ bổn phận: làm vợ rồi làm mẹ mà làm ngơ đi nỗi nhục nhã, ê chề đằng sau vỏ bọc danh giá của một gia đình có vị thế trong xã hội.
Trong phiên bản gốc, Helen Ilving là người phụ nữ đã có tuổi, từng trải và có tài thao lược đã một tay mở rộng sản nghiệp nhà chồng, giữ gìn cho đức ông chồng - vị đại tá nổi danh tài ba nhưng bản tính mềm yếu, chìm ngập trong lối sống phóng túng, trụy lạc.
Không chỉ thế, cô còn chấp nhận mang danh một người mẹ tồi tệ với ước mong đứa con trai duy nhất đi du học xa nhà để không bị ảnh hưởng bởi thói xấu xa từ người cha đại tá mục ruỗng. Vùi kín nỗi nhơ nhuốc, bà cố gắng tạo ra những bề ngoài danh dự và đạo đức.
Với thời lượng hai tiếng của vở diễn, Lê Phương cùng với bạn diễn Vũ Xuân Trang (vai mục sư Manders), Lê Hoàng Giang (vai con trai - Oswalk Alving), Huỳnh Lý (vai Regina) và Thái Kim Tùng (vai Jacob Engstrand) đã tái hiện toàn bộ những day dứt, mâu thuẫn về tư tưởng, lối sống của con người trong xã hội cũ một cách dễ hiểu. Bên cạnh đó, Lê Phương còn gây ấn tượng mạnh với tạo hình phụ nữ quý tộc kiêu hãnh, xinh đẹp và tâm hồn thiện lương.
Ghost - Hồn ma bóng quỷ thoạt nghe ai cũng nghĩ là một tác phẩm chứa đầy yếu tố kinh dị. Song thực tế, tên gọi của vở diễn chỉ là một cách nói ẩn dụ để tái hiện nội tâm con người trong xã hội cũ.
Tác phẩm được Henrik Ibsen sáng tác đầu thế kỷ 20, là một trong 100 kiệt tác sân khấu nổi tiếng thế giới trong suốt thế kỷ qua, và đây là lần đầu tiên được dàn dựng ở Việt Nam.
Điều đặc biệt vở diễn được dàn dựng bởi một nữ đạo diễn sân khấu trẻ tuổi Hoàng Trần Minh Đức và dùng làm tác phẩm chấm thi tốt nghiệp khóa học đạo diễn của mình tại trường Sân khấu điện ảnh TP.HCM.
Điểm đáng khen ngợi là dù là một vở diễn tốt nghiệp nhưng Hoàng Trần Minh Đức đầu tư chỉn chu về mọi mặt, từ bối cảnh đến âm nhạc được ứng tác trực tiếp trên sân khấu qua nhạc cụ violon và tiếng hát của ca sĩ Phạm Trung Kiên… Bên cạnh đó, thực lực của dàn diễn viên trẻ rất đáng ngưỡng mộ khi diễn không micro trên sân khấu của Nhà hát lớn. Đây là sự đầu tư vô cùng công phu và kỹ lưỡng vượt lên trên quy mô của một vở diễn tốt nghiệp.
Nữ đạo diễn Hoàng Trần Minh Đức dự kiến sẽ lên kế hoạch tìm đường biểu diễn bán vé cho nhiều đối tượng tiếp cận vở hơn nữa.
XEM THÊM: NSND Hồng Vân, Việt Anh quyết làm 'sống' lại vở kịch "Lôi Vũ" 32 năm trước
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận