Showbiz muôn màu

Lắt léo chữ nghĩa: Tình bằng có cái trống cơm...

LÊ MINH QUỐC

Đăng lúc 18:36 | 28/07/2022

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ đến câu dân ca: 'Tình bằng có cái trống cơm/ Khen ai khéo vỗ ố mấy bông mà nên bông...". Nhưng liệu có ai cắc cớ hỏi, 'tình bằng' là tình gì nhỉ?

Đã từng nghe đến tình sầu, tình nghĩa, tình nhân, tình phụ, tình trường... chứ nào nghe đến tình bằng, phải không nào? Nếu bằng là từ dùng để so sánh, thí dụ:

Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể

Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày

Thì tại sao ở câu dân ca này ngay sau đó, lại xuất hiện động từ "có/ có cái trống cơm"? Rõ ràng, muốn hiểu rõ nghĩa câu này, ta phải tách riêng từ bằng phân tích xem sao.

Khi đọc Truyện Kiều, ta gặp câu: "Gió đưa bằng tiện đã lìa dặm khơi" thì bằng là loài chim lớn, có sức bay xa, bay cao ngoài biển khơi, thường được dùng để ví với nam nhi anh hùng chí khí. Không liên quan gì đến câu chuyện sẽ bàn.

Trước hết, xin nói rằng, bằng đồng âm với nhiều nghĩa khác, tùy ngữ cảnh, ta có thể dùng các từ bằng/ bình/ bường mà Đại từ điển tiếng Việt (1999) đã ghi nhận: "1. Bằng: Bường tuổi nhau; 2. Bình: Bường yên, thái bường". 

Hiểu là hiểu thế, nhưng cắc cớ cho tiếng Việt còn ở chỗ, nếu thay thế chỉ một từ cùng nghĩa, thì câu văn lại trở nên châm biếm nhằm "đá giò lái" qua cách hiểu khác, chứ không phải ca tụng, khen ngợi, hoan hô... Hồ Gươm phú của Tú Mỡ là một thí dụ:

Chỉ thấy tượng đồng cao chót vót,

Đứng trông làn nước vẫn xanh ngầu!

Tòa nhà Khai trí bên đền, trống bài điếm chát tom, thái bường quá nhỉ!

Tại sao không là "thái bình"? Đơn giản vế trên cho biết ngước mắt lên thấy cái tượng đồng đặt trên cao, lại "cao chót vót", cao hút tầm mắt, rất cao thì ai nào thấy rõ ngang dọc tròn méo thế nào? Cúi xuống nhìn làn nước, thấy xanh nhưng lại xanh ngầu (?) - ngầu là lẫn nhiều tạp chất, vẩn đục như người ta thường nói đục ngầu, thế thì, nào có phải là xanh, chỉ là cách nói mỉa.

Lắt léo chữ nghĩa: Tình bằng có cái trống cơm... - Ảnh 1.

Vậy, từ "thái bường" xuất hiện hợp lý nhất, bởi nó mới đủ sức phụ theo những cái nhố nhăng vừa nêu ra. Vì rằng, bường dù cũng là bình/ thái bình nhưng lại kéo thêm cái âm "ường" như chán chường, nằm ườn, ương ưởng, lươn ươn, lườn khườn... nhằm tạo ra liên tưởng của sự bông phèn, giỡn chơi, không nghiêm túc.

Đôi khi không xuất hiện từ bằng/ bình/ bường nhưng ta vẫn biết nó cùng nghĩa. Thí dụ, "Học thầy không tày học bạn". Một loạt câu tục ngữ cho phép ta nhìn ra một cách rõ ràng như "To tày đình", "Cưới chẳng tày lại mặt"... 

Trong tâm thức người Việt, to nhất vẫn là "tày trời/ bằng trời". Vì thế, khi nói: "Ơn cha nặng lắm ai ơi/ Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang" thì không gì có thể sánh nỗi với ơn nghĩa ấy.

Nhân đây, xin lưu ý với câu "Khéo thì bẻ bánh tày, vụng thì vầy bánh ếch", thì tày ở đây lại là tên loại bánh như bánh tét, có thế mới "đối xứng" với bánh ếch (bánh ít) ở vế kế tiếp. Còn vầy là vọc, quấy mà ta từng gặp trong câu "Hoài hồng cho chuột vọc/ Hoài hòn ngọc cho ngâu vầy", nhưng vầy trong câu thơ Kiều: "Phận đành đành vậy cũng vầy" thì vầy lại có nghĩa là vậy/ như vậy/ thế vậy/ chịu vậy... Thử hỏi, chuột thì vọc, còn ngâu thì vầy, vậy ngâu là con gì?

Tày là tiếng Việt chuyển gốc Hán Việt từ tề, do đó, cả hai đồng nghĩa bằng, đều, ngang nhau nhưng tề trong câu ca dao: "Đôi ta như đũa trong kho/ Không tề, không tiện, không so cũng bằng" lại có nghĩa cắt, chặt... 

Với từ tày, ngày xưa ở miền Nam có câu thành ngữ "Nói tày miệng" nghĩa là "Nói miệng không, không có chứng cớ chi làm bằng, nghĩa là chứng lời mình nói", Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích. 

Ở câu này, ta hãy lưu ý tới cụm từ "làm bằng" - bằng có nghĩa là "Nương tựa vào, chắc vào đấy để làm chứng: Việc này, tôi bằng ở ông, Khẩu thuyết vô bằng, Lấy một tờ giấy làm bằng", theo Việt Nam tự điển (1931).

Trở lại với câu dân ca: "Tình bằng có cái trống cơm/ Khen ai khéo vỗ ố mấy bông mà nên bông...". Bằng/ tình bằng trong ngữ cảnh chính là hiểu theo nghĩa của từ "làm bằng" vừa mới nêu trên. 

Có cái trống cơm đó làm chứng/ làm bằng "Khen ai khéo vỗ", từ đó, dẫn tới các tình tiết mà chúng ta đã biết như con sít lội sông, con nhện giăng tơ... Ấy là ý nghĩa của từ bằng trong ngữ cảnh "tình bằng".

Còn câu hỏi ngâu trong câu "Hoài hòn ngọc cho ngâu vầy" là con gì? Xin thưa chính là con trâu, bởi nói trại từ "ngưu" ra "ngâu" đó thôi, Việt Nam tự điển (1931) cho biết.

Messi và chuyện lắt léo chữ nghĩa Messi và chuyện lắt léo chữ nghĩa Lắt léo chữ nghĩa: Miệng nhai cơm búng... Lắt léo chữ nghĩa: Miệng nhai cơm búng... Hà Nội bình chọn sự kiện văn hóa, thể thao: trúc trắc chữ nghĩa Hà Nội bình chọn sự kiện văn hóa, thể thao: trúc trắc chữ nghĩa


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
X
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Tin mới SHOWBIZ MUÔN MÀU