Những tin nóng về người nổi tiếng luôn là chủ đề câu kéo sự quan tâm của cộng đồng mạng. Từ câu chuyện nữ người mẫu T. có những phát ngôn sốc về "chọn người yêu" hay anh diễn viên A. lùm xùm kiện tụng tranh chấp, hoặc đơn giản chỉ là một buổi tối nữ ca sĩ đình đám nọ thay trang phục diễn vài ba lần cũng nhanh chóng được đưa lên mạng xã hội.
Mới đây nhất, sự vụ ầm ĩ của Trấn Thành với những cư dân mạng nổ ra từ việc anh bị vu vạ sử dụng chất kích thích. Có thể chỉ vì nút nhấn post/share hiển thị quá rõ ràng, câu chuyện đơm đặt đã nhanh chóng được lan tỏa với tốc độ nhanh như "điện xẹt" chăng?
Nam nghệ sĩ nhanh chóng lên tiếng về tin vu khống này, thậm chí đã cùng luật sư của mình trực tiếp đối chất với những cá nhân liên quan nhằm minh chứng bản thân đang bị vu oan giá họa. Trước Trấn Thành, từng có khá nhiều nghệ sĩ trở thành nạn nhân của những lời đồn thổi vô căn cứ trên các trang mạng xã hội như diễn viên Nhật Kim Anh, Lâm Khánh Chi, Khánh Vân, H'Hen Niê... Hầu hết mọi người đều cố gắng tìm rõ người khởi phát tin đồn hoặc lên tiếng đính chính để tránh tổn hại danh dự bản thân, cũng như tránh tối đa những tổn thất vật chất, tinh thần.
Với độ nổi tiếng của Trấn Thành, có thể thấy thiệt hại về mặt kinh tế sẽ rất to lớn. Mới đây, Trấn Thành còn vượt qua Sơn Tùng, Mỹ Tâm để dẫn đầu bảng xếp hạng BSI Top 10 Influencer (10 Người ảnh hưởng nổi bật nhất mạng xã hội). Anh cũng là gương mặt được lựa chọn hàng đầu của rất nhiều nhà đài, chương trình lẫn các nhãn hàng lớn. Scandal bất ngờ ập đến khiến danh tiếng của Trấn Thành bị ảnh hưởng, có khả năng "vạ lây" đến hàng loạt các bên liên quan.
Thế nhưng, những lời đồn thổi tưởng chừng “vô thưởng vô phạt” vẫn luôn xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội. Dù vụ việc được “vẽ” ra nhằm mục đích… tám chuyện cho vui, hay với bất kỳ lý do gì thì những người tạo ra đã chính thức thực hiện hành động vi phạm pháp luật: vu khống, bôi nhọ người khác. Nhưng dường như, chẳng mấy ai nhận thức đầy đủ được rằng trò đùa hay lời đấu tố của mình đang vi phạm pháp luật.
Họ vẫn “sản xuất” tin đồn và cộng đồng mạng vẫn rầm rộ bình luận, chia sẻ. Mạng ảo nhưng hậu quả rất thật!
Trao đổi với Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, cô chia sẻ: “Việc ngụy tạo tin đồn, tin tức không chính xác có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, đặc biệt nhiều người trẻ thường vướng vào vấn đề này hơn do nhu cầu muốn gây sự chú ý, khẳng định bản thân cao. Để hạn chế, phía người trẻ cần chủ động cập nhật, trang bị thêm những kiến thức về Luật An ninh mạng, cũng như các qui tắc ứng xử, sử dụng mạng xã hội. Bên cạnh đó, phía nhà trường, địa phương cần tổ chức thêm nhiều sân chơi online lẫn offline để người trẻ có thêm cơ hội thể hiện, khẳng định bản thân, thay vì chìm đắm trong những việc vô bổ. Ngoài ra, các kênh truyền thông cũng có nhiệm vụ quan trọng trong việc lan tỏa rộng khắp những tin tức tử tế, có giá trị thực tiễn việc sử dụng mạng an toàn, đúng qui tắc đạo đức, pháp luật hiện hành. Có như vậy, môi trường mạng mới trở nên sạch sẽ, chuẩn mực và hạn chế được tối đa các hành vi chưa đúng đắn, sai trái”.
Tội vu khống qui định tại Điều 156 - Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) qui định: 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền. Theo qui định tại Điều 122 - Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) qui định: 1. Người có hành vi bịa đặt, loan truyền những điều này sẽ bị xử phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. 2. Người phạm tội trong các trường hợp sau sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 7 năm. a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Đối với nhiều người; d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; đ) Đối với người thi hành công vụ; e) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. 3. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận