Tỉ lệ bị phơi nhiễm (hít khói thụ động) thuốc lá tại nhà là 67,6% và tại nơi làm việc là 49%. Người nghiện và người hít khói thụ động sẽ mắc chừng 25 căn bệnh, trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như: ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, ung thư vòm họng, ung thư da, ung thư thanh quản; những bệnh mãn tính như viêm phế quản, tâm phế mãn, đục nhân mắt, loét dạ dày; những bệnh gây mặc cảm như rối loạn cương dương, số lượng tinh trùng giảm… Những bệnh này đẩy tỉ lệ tử vong do thuốc lá tăng từ 2,5 đến 10 lần so với người không hút.
Nhiều người biết hậu quả của nghiện thuốc lá nên cai thuốc. Tuy nhiên khi tiến hành cai thuốc họ than rằng “Tôi vẫn ăn như vậy mà sao ngày càng tăng cân?”. Với những người không quyết tâm từ bỏ khói thuốc thì đây là lý do để họ tái nghiện.
Bỏ thuốc là lên cân!
Quả thật có 80% số người bỏ thuốc bị tăng từ 7 - 10kg. Đầu tiên, một số nhà khoa học cho rằng khi bỏ thuốc, quá trình phù nề khí quản hết dần, người nghiện thuốc không ho, khạc đàm trong đêm nên ngủ ngon. Thứ nữa mỗi khi họ lạt miệng lại dùng bánh, kẹo, chocolate để ăn, cách nạp thêm năng lượng này khiến họ tăng cân.
Nhưng có người không ăn nhiều, không ăn vặt mà trọng lượng vẫn cứ tăng lên? Mới đây các nhà khoa học Mỹ tìm ra nguyên nhân không nằm ở miệng mà lại ở các vi khuẩn trong ruột.
Thủ phạm đích thị: vi khuẩn!
Chúng ta chung sống với số lượng vi khuẩn đường ruột khổng lồ, chúng bao gồm từ 300 đến 1.000 loài khác nhau. Tuy nhiên bạn yên tâm, 60% chúng sinh sống trong phân và được thải ra ngoài. Bạn sẽ thắc mắc: Chúng làm gì trong cơ thể mà nhiều quá vậy? Đây là mối quan hệ cộng sinh, bình thường chúng giúp đỡ chứ không gây hại. Cụ thể là: Lên men các thực phẩm tiêu hóa dở dang, kích thích hệ miễn dịch hoạt động, kìm hãm sự phát triển của các vi khuẩn có hại, điều hòa sự phát triển của ruột, tạo ra vitamin cho cơ thể như biotin (vitamin B2) và vitamin K, điều khiển dự trữ mỡ của cơ thể...
Các nhà khoa học thuộc trường đại học Bufflo Hoa Kỳ thấy rằng các chất trong thuốc lá đã cản trở một số loài vi khuẩn điều khiển dự trữ mỡ của cơ thể. Nếu quan sát chúng ta thấy nhiều người nghiện thuốc lá giống như “cây sậy có linh hồn”. Họ ăn uống, bồi dưỡng cũng khó mà tăng cân được. Vì thế, ở thế kỷ trước phụ nữ phương Tây dùng thuốc lá như một biện pháp giữ vóc dáng mảnh mai. Đương nhiên phương pháp này hại nhiều hơn cho sức khỏe nên bây giờ họ không sử dụng nữa.
Cụ thể hơn các nhà khoa học thấy 2 dòng vi khuẩn có tên Proteobacteria và Bacteroidetes tăng lên rất nhanh sau khi bỏ thuốc song hành với việc tăng trọng của “ông bà chủ”. Hóa ra chúng là “thủ phạm” làm tăng khối mỡ ở cơ thể mỗi người dẫn đến béo phì. Nguyên nhân đã rõ và người ta bắt đầu tìm biện pháp hạn chế tăng cân sau cai thuốc.
Làm sao để không tăng cân sau cai thuốc lá?
Để cân bằng vi khuẩn trong ruột, mỗi sáng chúng ta ăn 1 hũ sữa chua. Có thể ăn kèm với bánh mì.
Tuy nhiên xin lưu ý không được ăn sữa chua khi trong bữa có lạp xưởng, thịt hun khói… là những loại thịt chế biến chứa nhiều dầu mỡ. Bởi khi chế biến thịt người ta có cho thêm Nitre, khi kết hợp với amine trong sữa chua sẽ tạo thành N-nitrosamine – một trong những chất gây ung thư rất mạnh.
Bữa trưa và chiều nên bổ sung nhiều rau xanh, trái cây là cách kích thích các dòng vi khuẩn khác phát triển, hạn chế dòng vi khuẩn dự trữ mỡ.
Mỗi ngày nên tập luyện 1 giờ, tối thiểu là đi bộ, cơn thèm thuốc sẽ không còn, hệ cơ sẽ phát triển, cơ thể cường tráng không còn hom hem mà sẽ “có da, có thịt” theo đúng nghĩa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận